Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội
Sáng 8-9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Thảo luận về nội dung này, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ quan tâm đến điều 46 về trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH. ĐB đề nghị cần quy định rõ hơn về nội dung này để đảm bảo tính hợp lý, khả thi khi đưa vào áp dụng.
Về quyền phát biểu của ĐBQH tại các phiên họp, ĐB Tạ Văn Hạ cho biết, một vấn đề nổi lên là các ý kiến phát biểu trùng lắp nhau, gây nhàm chán, làm giảm chất lượng thảo luận, trong khi còn có nhiều ý kiến quan trọng, đáng quan tâm khác thì không đủ thời gian để phát biểu. Để giải quyết vấn đề này cần đến tinh thần trách nhiệm của các đại biểu cũng như các thức điều hành linh hoạt, hợp lý của chủ tọa phiên họp.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị bổ sung quy định nhằm bảo đảm kiên quyết không tiến hành thẩm tra các dự án, dự thảo khi chưa đủ hồ sơ, tài liệu.
ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) đề cập đến khoản 5, điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.” ĐB tán thành quy định này là cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước hơn. ĐB đề nghị bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri nhân dân nắm bắt, đăng ký tham dự theo quy định.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nôi) đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh thành dự các phiên chất vấn để nâng cao chất lượng phiên chất vấn. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm thành phần được mời dự thính tham dự kỳ họp Quốc hội là đại diện thường trực HĐND các tỉnh.
Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dự thảo quy định trách nhiệm chủ tọa - người được phân công điều hành kỳ họp, quy định: “Mời từng ĐBQH phát biểu theo thứ tự đăng ký”. ĐB cho rằng, số lượng cử tri ở Hà Nội hoặc TPHCM rất lớn, 9-10 triệu dân khác với những tỉnh thành có số cử tri ít hơn. Vì vậy, cần cân nhắc quy định cho đoàn Hà Nội và TPHCM có số lượt đại biểu phát biểu nhiều hơn.
Cũng theo ĐB Nguyễn Anh Trí, cần có biện pháp để đảm bảo ĐBQH được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm ĐBQH, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình.
ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) và một số ý kiến tán thành với quy định trường hợp ĐBQH không thể dự kỳ họp Quốc hội hoặc là vắng mặt từ 2 ngày trở lên là phải báo cáo bằng văn bản, nêu rõ lý do đến Trưởng ĐBQH và đồng thời phải gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo với Chủ tịch Quốc hội quyết định.
Các ý kiến cũng thể hiện bức xúc trước tình trạng tài liệu chính thức gửi cho ĐBQH rất chậm. ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu đến ĐBQH. ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị nên công khai việc cơ quan, đơn vị gửi tài liệu chậm đến các ĐBQH và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. “ĐBQH nhận tài liệu rất chậm. Có những trường hợp sáng hôm sau thảo luận thì đến 1 giờ mới nhận được thì đại biểu không thể nghiên cứu được”, ĐB Lê Hoàng Anh nêu.