Công dân có thể nhắn tin yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng các phương thức sau: văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Do đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân cũng sẽ được vận hành từ thời điểm này.

Ảnh minh họa (ảnh: internet)

Ảnh minh họa (ảnh: internet)

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân gồm những nội dung như: Số hồ sơ cư trú; Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân); Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân (CMND), quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp…

Theo luật, công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng các phương thức sau: văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Về thủ tục, công dân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin gửi người có thẩm quyền. Theo Điều 9 Nghị định 37/2021/NĐ-CP, Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do cần khai thác, sử dụng thông tin; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin thì người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin, trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì cũng phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Bên cạnh đó, công dân cũng có thể thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo hướng dẫn của Bộ Công an. Đồng thời, khai thác qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Tương tự, người có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin sẽ xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin hay không, nếu cho phép thì sẽ cung cấp quyền truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, còn nếu không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời cho công dân và nêu rõ lý do.

Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cong-dan-co-the-nha-n-tin-yeu-ca-u-cung-ca-p-thong-tin-trong-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-246830.html