'Cổng địa ngục' bí ẩn ở Turkmenistan

'Cổng địa ngục' ở Turkmenistan được cho là tạo thành do một tai nạn công nghiệp. Ngày nay, nó là kỳ quan thu hút rất đông khách du lịch ưa mạo hiểm.

Hơn 50 năm trước, một nhóm thám hiểm khoan tìm khí đốt tự nhiên ở Turkmenistan được cho là đã vô tình gây ra một phản ứng dây chuyền tạo ra Hố khí Darvaza, còn được gọi là "Door to Hell" (Cổng địa ngục).

Hố khổng lồ rực lửa sau này đã trở thành cảnh tượng được khách du lịch săn đón nhất đất nước Trung Á.

Hiện tượng ảo diệu được tạo ra bởi ngọn lửa do khí mê-tan bị đốt cháy thoát ra từ hàng chục lỗ thông hơi dọc theo sàn và thành hố. Đứng quanh miệng hố, người ta có thể cảm thấy sức nóng dữ dội tỏa ra từ nó. Cảnh tượng đặc biệt ấn tượng vào ban đêm, khi ngọn lửa như những chiếc lưỡi đỏ rực bùng cháy, liếm quanh miệng hố dưới bầu trời đầy sao.

Kỳ quan hút khách

Nằm giữa những cồn cát và mỏm đá ở vùng xa xôi của sa mạc Karakum, miệng núi lửa Darvaza là điểm dừng chân hàng đầu trong hầu hết tour du lịch đến quốc gia Trung Á này.

Khi du khách mới bắt đầu đổ xô đến Darvaza, không có dịch vụ hoặc tiện nghi nào và họ phải mang theo mọi thứ cần thiết khi nghỉ qua đêm. Ngày nay, có 3 trại cố định với chỗ nghỉ qua đêm trong lều yurt hoặc lều bạt, cùng với bữa ăn và phương tiện di chuyển bằng động cơ đến miệng núi lửa dành cho những người không muốn đi bộ.

Hố này rộng khoảng 70 m và sâu 30 m, với những vách thẳng đứng dốc xuống một bãi đá vụn rải rác dưới đáy. Một hàng rào an toàn đã được dựng thêm vào năm 2018 để ngăn du khách đến quá gần hố sụt đang bốc cháy.

 "Cổng địa ngục" trở thành kỳ quan hút khách dù ngọn lửa ngày càng yếu đi. Ảnh: iStock.

"Cổng địa ngục" trở thành kỳ quan hút khách dù ngọn lửa ngày càng yếu đi. Ảnh: iStock.

"Đó là một hang khí bị sụp, nghe có vẻ thú vị như một lò gas cũ vậy. Nhưng nó có vẻ kỳ lạ và thực sự tôi thấy khá rùng rợn", tác giả Ged Gillmore, người đã viết về miệng núi lửa này trong cuốn "Stans By Me: A Whirlwind Tour Through Central Asia", cho biết.

Tuy nhiên, miệng hố lửa có thể không còn tồn tại lâu nữa, ít nhất là không phải ở dạng bốc cháy như bây giờ. Trong một số trường hợp, chính phủ Turkmenistan đã đề cập đến khả năng sẽ bịt kín miệng hố bằng cách nào đó.

Trong khi đó, những người từng đến thăm Darvaza trong nhiều năm cho biết hiện ngọn lửa nhỏ hơn nhiều so với trước đây.

Dylan Lupine, người sáng lập công ty Lupine Travel có trụ sở tại Anh, một trong những đơn vị tiên phong đưa khách du lịch đến Turkmenistan, cho biết: "Tôi cho rằng ngọn lửa chỉ còn ở mức khoảng 40% so với khi mà tôi chứng kiến lần đầu tiên vào năm 2009. Một khu vực lớn hơn nhiều của miệng núi lửa đã rực cháy vào thời điểm đó. Bây giờ thì ít hơn, và chúng không cao như trước nữa".

Đứng trên mép miệng núi lửa, một hướng dẫn viên địa phương xác nhận ngọn lửa đã yếu dần trong 7 năm qua và trong khoảng 40 lần anh đến Darvaza. "Trước đây có nhiều ngọn lửa hơn bây giờ, có lẽ là do lượng khí đã hao mòn".

Nhưng điều đó không làm giảm đi sức hấp dẫn của một kỳ quan lai giữa thiên nhiên và nhân tạo, đặc biệt tuyệt vời khi một cơn bão cát ập đến và che khuất mọi thứ ngoại trừ ngọn lửa lập lòe bốc lên từ hố đen bên dưới.

Bí ẩn chưa có lời giải

Không ai chắc chắn được hố khí này được mở ra khi nào, vì các báo cáo từ thời Liên Xô đã bị mất, không đầy đủ hoặc vẫn còn được giữ bí mật.

George Kourounis, một nhà thám hiểm và người dẫn chương trình truyền hình người Canada, người duy nhất được biết đến đã khám phá bên trong hố khí, cho biết: "Có rất nhiều tranh cãi, rất nhiều bất đồng về lịch sử hình thành của nó. Tôi thậm chí không biết nên tin vào điều gì. Có quá nhiều câu chuyện và giai thoại về nơi này. Thật điên rồ".

Theo Kourounis, giả thuyết phổ biến nhất là miệng hố được hình thành vào năm 1971 và bốc cháy ngay sau đó.

 Khu lều trại cho khách du lịch tới khám phá hố lửa.

Khu lều trại cho khách du lịch tới khám phá hố lửa.

"Nhưng khi tôi ở Turkmenistan, chúng tôi đã có hai nhà địa chất kỳ cựu của chính phủ cùng đi đến miệng núi lửa, và họ nói với tôi rằng hố lửa thực sự hình thành vào thời điểm nào đó trong những năm 1960, sủi bọt bùn và khí trong một thời gian khá dài và không bốc cháy cho đến những năm 1980".

Cách khí gas trong hố bắt lửa cũng là một bí ẩn chưa có lời giải.

"Một số người nói đó là do một quả lựu đạn. Một số người khác nói rằng người ta chỉ ném vào đó một que diêm. Tôi còn nghe câu chuyện rằng một người nông dân say rượu đã lái máy kéo của mình lao vào đó", Kourounis nói.

Hướng dẫn viên địa phương đưa ra một giả thuyết khác: "Có một ngôi làng gần đó trong quá khứ, và tôi nghe nói họ đã đốt cháy miệng hố vì không muốn mùi hôi hoặc khí độc gây hại cho sức khỏe của dân làng. Họ đã nghĩ rằng nó sẽ cháy hết trong vài tuần".

Ngoài việc trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi bước xuống miệng hố đang bốc cháy, Kourounis còn tham gia vào một sứ mệnh khoa học do National Geographic tài trợ nhằm tìm kiếm bất kỳ dạng sống nào có thể tồn tại trong môi trường đó, đặc biệt là những dạng sống có thể cung cấp manh mối về những gì chúng ta có thể tìm thấy trong điều kiện tương tự trên các hành tinh khác.

Trong chuyến thám hiểm kéo dài 17 phút vào năm 2013 - trên mình mặc bộ đồ nhôm với dây an toàn cùng loại bảo hộ được sử dụng trong các sứ mệnh của NASA trên sao Hỏa - Kourouni đã thu thập các mẫu đất cho Dự án vi sinh vật cực đoan. Phân tích sau đó cho thấy các sinh vật đơn giản, như vi khuẩn và vi khuẩn ưa nhiệt, bằng cách nào đó có thể sống sót trong nhiệt độ khắc nghiệt bên trong miệng núi lửa.

Trong nhiều năm qua, người ta đã đồn đoán rằng chính phủ Turkmenistan sẽ biến Darvaza thành một địa điểm sản xuất khí đốt tự nhiên bằng cách dập tắt ngọn lửa.

Năm 2022, tờ báo nhà nước Neytralny Turkmenistan đưa tin rằng tổng thống đã yêu cầu nội các tham vấn các nhà khoa học để tìm cách dập tắt ngọn lửa và đóng cửa địa điểm này đối với khách du lịch.

Trong số những lý do được đưa ra để đóng miệng hố lửa là lo ngại mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, thiệt hại về môi trường và lo ngại về sức khỏe.

Kể từ đó, đã có nhiều cuộc thảo luận dự đoán về sự sụp đổ của "Cổng địa ngục" nhưng không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh rằng chính phủ sẽ sớm dập tắt ngọn lửa.

Một số người cho rằng chính phủ đã khoan một giếng thăm dò gần đó để hút một lượng lớn khí thoát ra qua miệng hố và làm giảm đáng kể mức độ ngọn lửa.

"Đó chỉ là tin đồn thôi", hướng dẫn viên địa phương nói. "Họ có thể lấp đầy nó bằng xi măng hoặc bọt, nhưng khí sẽ thoát ra ở nơi khác. Chúng tôi không biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào hoặc liệu nó có xảy ra hay không".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-dia-nguc-bi-an-o-turkmenistan-post1495299.html