Cổng Dịch vụ công quốc gia tiết kiệm 4.200 tỉ đồng/năm
Dịch vụ công trực tuyến ngăn ngừa sách nhiễu, tham nhũng vặt
Ngày 9-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đã bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia. Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Tiết kiệm hơn 4.200 tỉ đồng/năm
Tại thời điểm khai trương, Cổng DVC quốc gia sẽ cung cấp 5 DVC thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe (GPLX); thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cung cấp 4 DVC thực hiện tại cấp bộ: Cấp GPLX quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số DVC như: TP HCM là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; TP Hà Nội, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là đăng ký khai sinh…
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết DVC với người được cung cấp DVC thông qua mạng điện tử giúp cho thủ tục hành chính nhanh hơn. "DVC trực tuyến còn góp phần chống nạn cửa quyền, hách dịch, ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt", tạo môi trường đầu tư hấp dẫn" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thực hiện, xử lý các thủ tục cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, thậm chí giữa các cơ quan liên bộ, ngành. Vì vậy, để có thể tiếp tục đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, những thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp cần được chia sẻ trong nội bộ giữa các cơ quan nhà nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể cơ sở dữ liệu cần thiết phải kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cần có đánh giá hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến trên toàn quốc.
"Nếu làm tốt ở trung ương nhưng các địa phương, các bộ, ngành không thúc đẩy mạnh mẽ thì cổng DVC này cũng không có tác dụng nhiều đối với việc xử lý các thủ tục mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Tiết kiệm hơn 4.200 tỉ đồng/năm… từ Cổng DVC quốc gia, vì thế phải được kiểm tra, đôn đốc thường xuyên" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiện lợi cho người xa quê
Tại TP HCM, lễ khai trương Cổng DVC quốc gia được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu gồm: trụ sở UBND TP, UBND phường Hiệp Phú (quận 9), UBND phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú), UBND phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú), UBND xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) và khách sạn Majestic (quận 1).
Tại buổi lễ, nhiều điểm cầu đã trực tiếp cùng đăng ký các dịch vụ trên Cổng DVC quốc gia như: đổi GPLX tại điểm cầu Hà Nội, đăng ký khai sinh ở Quảng Ninh, đăng ký cấp điện mới lưới điện trung áp TP HCM… Tại điểm cầu UBND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM, hơn 200 người dân cũng tham dự lễ khai trương DVC quốc gia. Ông Nguyễn Văn Sáu, 50 tuổi, cho biết đây là điều người dân mong chờ bởi tất cả thủ tục hành chính được đưa lên cổng DVC công khai, minh bạch vừa giảm thời gian đi lại cho người dân. DVC quốc gia không giới hạn địa giới hành chính, người ở tỉnh khác vào TP HCM lập nghiệp, muốn làm giấy CMND, giấy khai sinh… vẫn có thể thực hiện các thủ tục liên quan.
Hiện nay, TP HCM đã hoàn thành kết nối 42 DVC của TP với DVC quốc gia như thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh; thủ tục cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đăng ký khai sinh; cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân… Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2020, hoàn thành kết nối 322/644 DVC trực tuyến cấp độ 3, 4 trên cổng DVC TP và Cổng DVC quốc gia.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Sĩ cho biết triển khai quy định của Chính phủ tại Nghị định 61, TP HCM đã tập trung hoàn thiện Cổng DVC TP, hệ thống một cửa điện tử theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Đặc biệt là xây dựng hệ thống đánh giá hài lòng gắn với giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống này, người dân và doanh nghiệp có thể đánh giá chất lượng cung cấp DVC của cơ quan nhà nước; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thể đánh giá nội bộ chất lượng, tiến bộ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của công chức, viên chức, cơ quan mình, từ đó có những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cần khung pháp lý để thực hiện hiệu quả
Tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính DVC trực tuyến có hiệu quả. Cụ thể, trong tháng 1-2020, Bộ TT-TT chủ trì trình dự thảo nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. VPCP trình dự thảo nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.