Cộng điểm cho khuyết điểm

Trong cuộc họp giao ban, lãnh đạo một cơ quan yêu cầu người đứng đầu các đơn vị trực thuộc trình bày ý kiến, tìm rõ nguyên nhân: Vì sao thời gian qua, tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật của cán bộ, đảng viên trong đơn vị có chiều hướng gia tăng?

Có ý kiến thẳng thắn cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do căn bệnh thành tích. Vì bệnh thành tích mà nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị che giấu khuyết điểm. Hậu quả là những tồn tại, hạn chế kéo dài, gây hệ lụy nghiêm trọng, khiến nhiều cán bộ, đảng viên vướng vào vòng lao lý, làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta.

Có thể nói: Bệnh thành tích đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, dẫn đến báo cáo không trung thực, bao che khuyết điểm, thổi phồng thành tích. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Lời căn dặn của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Thực tiễn từ khi Đảng ta ra đời đến nay cho thấy, Đảng luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới; đẩy mạnh thực hiện phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, thời gian gần đây, những vụ việc đảng viên vi phạm, từ cá nhân đến tập thể, từ cơ sở đến cấp Trung ương đều công khai trên các phương tiện truyền thông, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng ngần ấy chưa đủ. Bởi phần lớn những vụ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên chủ yếu do các cơ quan báo chí, nhân dân và thông qua kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu vi phạm, mới phát hiện ra. Số cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức tự công khai khuyết điểm, vi phạm của mình rất ít, thậm chí hiếm gặp.

Để “kê đơn” trị “bệnh thành tích”, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng quy chế ngược: Cộng điểm thi đua cho những cán bộ, đảng viên; cấp ủy, tổ chức đảng dám công khai thừa nhận khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đó. Ngược lại, trừ điểm thi đua, xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân cố tình hoặc có biểu hiện giấu giếm khuyết điểm, thổi phồng thành tích.

Để hiện thực hóa vấn đề này, trước hết, cấp có thẩm quyền phải cụ thể hóa, đưa vào quy chế cộng điểm thi đua, nghiên cứu cơ chế đặc thù để khuyến khích cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng dám công khai thừa nhận khuyết điểm; đồng thời có cơ chế bảo vệ những cá nhân, tổ chức ấy trong quá trình khắc phục khuyết điểm.

Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, cấp mình, có phương pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời. Việc dám nêu rõ những khuyết điểm của tổ chức, cán bộ thuộc quyền chẳng những không làm cho uy tín của tổ chức đảng, của cán bộ bị giảm bớt mà còn tăng thêm trong quần chúng nhân dân. Nhân dân luôn quý trọng, hiểu rõ cái “tâm” của những cán bộ tài, đức, luôn vì nước, vì Đảng, vì dân.

Với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần xác định rõ động cơ đúng đắn trong thi đua; kiên quyết chống bệnh thành tích và đặc biệt phải biết liêm sỉ. Làm cán bộ mà không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng đội, của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì không xứng đáng là cán bộ của Đảng, là đầy tớ của nhân dân.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cong-diem-cho-khuyet-diem-690971