Công điện chỉ đạo ứng phó rét đậm diện rộng, rét hại, đề phòng băng giá, sương muối

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 18/CĐ-QG chỉ đạo ứng phó rét đậm trên diện rộng, vùng núi rét hại đề phòng xảy ra băng giá và sương muối.

Bắc Bộ rét đậm diện rộng, vùng núi rét hại, nhiệt độ có thể xuống dưới 30C

Công điện nêu rõ: Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 17-20/12, khu vực Bắc Bộ có khả năng cao xảy ra một đợt rét đậm trên diện rộng, vùng núi rét hại, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 100 C, vùng núi cao có thể xuống dưới 30C, cần đề phòng xảy ra băng giá và sương muối.

Để chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, tỉnh, thành phố: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại.

Tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét.

Hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; che phủ, che chắn, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác.

Chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Căn cứ tình hình thực tế, chủ động tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh phù hợp, hiệu quả.

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Công an chỉ đạo chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và đề phòng xảy ra băng giá, sương muối

Ngày 13/12/2023, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 11/CĐ-V01 về việc chủ động ứng phó với rét đậm trên diện rộng, vùng núi rét hại và đề phòng xảy ra băng giá, sương muối, gửi Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam; Cục Truyền thông Công an nhân dân và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, nắm chắc tình hình về rét đậm, rét hại và băng giá, sương muối có thể xảy ra; chủ động toàn diện các biện pháp kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ, là nòng cốt để bảo vệ Nhân dân, cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

(1) Bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở, tập trung cao điểm các kế hoạch công tác, biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật;

(2) Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

(3) Tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

Thứ hai, kịp thời thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; cương quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Thứ ba, tổ chức tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai bằng nhiều hình thức.

Thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ tư, tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2299150, 0913.555.323).

Tăng cường, chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 17 - 20/12/2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra rét đậm, rét hại. Nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho sản xuất; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai vừa ban hành Công điện khẩn số 09/CĐ-BCH ngày 15/12/2023 yêu cầu các địa phương, các sở, ngành thành viên tăng cường, chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Công điện nêu rõ: Các khu vực vùng núi cao như thị xã Sa Pa, một số xã của huyện Bát Xát, nhiệt độ giảm xuống từ 2 - 4 độC, đặc biệt đỉnh Fansipan nhiệt độ xuống thấp nhất có thể dưới 1 độC, khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Vùng cao Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai nhiệt độ dao động từ 6 - 9 độC.

Nhiệt độ các huyện vùng thấp Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, thành phố Lào Cai và một số xã vùng thấp huyện Bát Xát, Mường Khương, nhiệt độ phổ biến từ 11 - 13 độC. Từ ngày 21/12/2023, do không khí lạnh được tăng cường bổ sung nên các khu vực trong tỉnh trời nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi; trời rét sâu hơn về đêm và sáng.

Để chủ động trong công tác phòng,chống rét cho cây trồng, vật nuôi; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Lào Cai yêu cầu:

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng tới người dân về diễn biến của thời tiết, khí hậu để chủ động phòng, tránh dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi, cây trồng; triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2971/QĐ-UBND ngày 23/11/2023 của UBND tỉnh về phê duyệt Phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024.

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai nhiệm vụ đến các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền đến từng thôn, bản và hộ gia đình để đôn đốc công tác phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi; rà soát, thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có, nguồn thức ăn, nơi di chuyển tránh rét và diện tích cây trồng hàng năm.

Đối với cây trồng: Chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoai mục, phân NPK để cây trồng ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Đối với rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch dứt điểm; tưới nước đủ ẩm cho cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C.

Chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn hạt giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thời tiết, thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại gây ra.

Đối với vật nuôi: Vận động người dân dự trữ thức ăn cho vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến, cải thiện dinh dưỡng thức ăn cho vật nuôi; những ngày giá rét cần bổ sung thức ăn tinh bột cho gia súc như cháo gạo, cháo ngô và cho uống nước muối loãng, ấm… để giữ ấm cơ thể; sửa chữa, làm mới và che chắn chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày rét đậm, rét hại; tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng dịch bệnh và sức chống chịu với giá rét.

Quản lý chặt chẽ đàn gia súc di chuyển đi tránh rét; tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh. Huy động lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân cách phòng chống rét cho vật nuôi, không chăn thả và bắt gia súc làm việc trước 09h sáng và sau 16h chiều; đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 13 độC cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng.

Tổ chức trực ban công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đúng quy định; theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Khi có thiệt hại về cây trồng, vật nuôi phải thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh 02 lần/ngày (trước 08 giờ và 15 giờ hàng ngày) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; đồng thời thống kê, xác minh đầy đủ diện tích cây trồng, số lượng vật nuôi bị thiệt hại do rét (nếu có).

Chủ động bố trí nguồn ngân sách dự phòng của địa phương phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho cây trồng, vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật về công tác phòng, chống rét đậm, rét hại đối với các cây trồng, vật nuôi; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật tình hình; báo cáo về UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu để kịp thời phát các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố để thông tin kịp thời cho người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Các sở, ban, ngành khác: Theo chức năng nhiệm vụ được giao, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết, thiên tai để chỉ đạo các địa phương được phân công phụ trách. Tổ chức thực hiện tốt Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2023 được UBND tỉnh ban hành để ứng phó với rét đậm, rét hại kịp thời và hiệu quả.

TIN GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC, RÉT ĐẬM, RÉT HẠI

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Sáng sớm nay (17/12), không khí lạnh mạnh đã ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và hầu hết Trung Trung Bộ, ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo diễn biến không khí lạnh trên đất liền: trong ngày (17/12), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến những nơi khác ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 11-14 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 15-18 độ.

Trên biển: ở vịnh Bắc Bộ ngày có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động; đêm gió giảm dần. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.

Dự báo chi tiết:

Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét. Vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Cảnh báo hiện tượng rét đậm, rét hại này có thể kéo dài sau ngày 20/12.

Ngày và đêm 17/12 khu vực Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội: Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cong-dien-chi-dao-ung-pho-ret-dam-dien-rong-ret-hai-de-phong-bang-gia-suong-muoi-119231214110845746.htm