Công điện về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

Ngày 1/8/2024, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành Công điện số 1976/CĐ-BCH về việc về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Do mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Do mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của mưa, lũ từ ngày 27/7 đến 30/7/2024, tại các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ, mưa, lũ đã làm 7 người chết, mất tích, nguyên nhân chủ yếu do người dân tham gia giao thông bị lũ cuốn trôi, đất đá sạt lở vùi lấp. Tại tỉnh Cao Bằng mưa lớn diễn ra diện rộng từ ngày 29/7, đã xảy ra sạt lở đất, đá gây thiệt hại nhà ở, lũ, ngập úng một số diện tích lúa, hoa màu, các tuyến giao thông bị sạt lở nhiều vị trí gây tắc đường (QL34). Mực nước lũ sông, suối trên địa bàn tỉnh tại thời điểm 7h00’ ngày 1/8/2024 mực nước sông Bằng tại trạm Bằng Giang đạt ở mức 180,87 m cao hơn báo động I (BĐI) 0,37 m, sông Gâm tại trạm thủy văn trạm Bảo Lạc ở mức 197,64 m cao hơn cấp báo động II là 0,64 m và có xu thế đang lên chậm. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 02/8/2024, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200mm, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện số 5515/CĐ-BNN-ĐĐ, ngày 31/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tập trung các biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới. Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Trưởng ban Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các Sở, ngành, Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Công văn số 1674/UBND-KT, ngày 03/7/2024 của UBND tỉnh về chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất) và tập trung chỉ đạo biện pháp cụ thể để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội.

Rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh và triển khai các phương án ứng phó, khắc phục bảo đảm hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.

Tập trung chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, vận hành theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là xả lũ khẩn cấp, không để xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt hạ du và thượng lưu đập.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, đặc biệt lưu ý các khu vực dân cư ven sông Bằng, sông Gâm.

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Chi cục Thủy lợi - Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy; Số điện thoại: 0206 3853618).

Đề nghị giám đốc các sở, ngành, các trưởng thành viên Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ban Ban Chỉ huy PTDS, Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc thực hiện.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cong-dien-ve-viec-tap-trung-bien-phap-giam-thieu-thiet-hai-ve-nguoi-va-chu-dong-ung-pho-mua-lu-sat-l-3171058.html