Công diễn vở chèo Tống Trân- Cúc Hoa tại Nhà hát Hồ Gươm
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2024), tối 12/7, Nhà hát Hồ Gươm phối hợp Nhà hát Chèo Hưng Yên biểu diễn vở 'Tống Trân - Cúc Hoa'.
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, Nhà hát chèo Hưng Yên được dàn dựng thành công nhiều vở diễn như vở: Danh y vào Phủ Chúa, Hương Cúc, Nỗi đau người lương thiện, Tiếng hát Đào Nương, Tướng quân Phạm Bạch Hổ, Triệu Việt Vương, Nguyễn Đình Nghị... Đặc biệt vở chèo Tống Trân - Cúc Hoa đã được dàn dựng và biểu diễn thành công ở trong tỉnh và những vùng phụ cận.
Vở chèo "Tống Trân Cúc Hoa" được dàn dựng dựa trên tích truyện dân gian nổi tiếng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nội dung kể về cuộc tình duyên thủy chung, son sắt giữa Tống Trân - chàng trai Hưng Yên, hiếu học và nàng Cúc Hoa - cô gái con nhà giàu, trọng nghĩa.
Tục truyền, vào thời tiền Lý, ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) có chàng nho sĩ nghèo tên Tống Trân, mồ côi cha từ nhỏ, phải dắt mẹ tha phương cầu thực, được Cúc Hoa, con gái Phú ông đem lòng yêu mến bởi khí chất thông minh, nguyện theo chàng dùi mài kinh sử... Tháng 2 năm Quý Sửu (563), Tống Trân đỗ Giáp Cập đệ nhất danh trạng nguyên, được vua ban võng lọng vinh quy bái tổ. Trở về làng bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng làng trong 1 tháng, rồi ông cưới bà Cúc Hoa làm vợ. Sau 3 tháng, Vua cử ông đi sứ ở Bắc quốc. Vua xứ Bắc thấy trạng ít tuổi, tỏ ý khinh thường nên muốn thử tài của trạng nước Nam, Tống Trân đều đối đáp đâu ra đấy nên được Vua Bắc khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”. Vua Tàu muốn gả con gái cho Trạng nhưng Tống Trân từ chối nên bị Vua trừng phạt. Vượt qua 100 ngày thử thách, Vua Tàu càng phục tài của Trạng...
Ở nhà, Cúc Hoa vẫn chờ đợi chồng và một lòng hiếu thảo với mẹ chồng. Dù bị cha ép lấy con nhà giàu, song nàng vẫn một lòng kiên trinh. Sau 10 năm đi sứ, biết Cúc Hoa vẫn thủy chung, cảm phục phẩm chất tam tòng - tứ đức, Tống Trân đã đón vợ về cùng đoàn tụ. Vua biết chuyện phong cho Cúc Hoa làm “Quận phu nhân”... Hiện nay, tại huyện Phù Cừ có 2 di tích liên quan đến huyền sử Tống Trân - Cúc Hoa, đó là đền Tống Trân ở xã Tống Trân, lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 8 - 16/4 âm lịch và đền Phượng Hoàng (thờ Cúc Hoa) ở xã Minh Tiến, hằng năm lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 1 - 3/3 âm lịch.
Huyền sử về Tống Trân - Cúc Hoa do tác giả Giáo sư Hà Văn Cầu tái hiện qua những làn điệu chèo đậm chất dân ca Bắc Bộ; NSND Lê Hùng dàn dựng, được Nhà hát Chèo Hưng Yên tổ chức công diễn đã thành công, qua đó nói lên ước mơ về sự thành đạt của người dân lao động; là tiếng nói phê phán thế lực tàn bạo đã ngăn cản, chà đạp lên tình yêu; đồng thời ngợi ca tấm lòng son sắt kiên trinh, ý chí phấn đấu vì hạnh phúc, vì tình yêu của những con người biết chống lại các ác cùng nhiều lễ tục khắc nghiệt...
NSND Lê Hùng được mệnh danh là "phù thủy sân khấu" với những mảng miếng thu hút khán giả. Tống Trân- Cúc Hoa là một cốt truyện cổ, tuy nhiên, đạo diễn đã khiến khán giả ngày nay theo dõi vở diễn từ đầu tới cuối với những tình tiết đan xen mang đậm chất hề chèo và tính đương đại.
Ông Nguyễn Công Trứ, Giám đốc Nhà hát - nguời trực tiếp chỉ đạo Nghệ thuật vở diễn cho biết: “Vở Chèo Tống Trân - Cúc Hoa đã biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh và các vùng phụ cận, và đây là lần đầu tiên chúng tôi được về thăm và biểu diễn tại không gian Nhà hát Hồ Gươm - nơi có cơ sở vật chất hiện đại nằm nằm trong TOP các Nhà hát có hệ thống âm học tốt trên thế giới. Đây là cơ hội để diễn viên, nhạc công Nhà hát Chèo Hưng Yên thể hiện tài năng biểu diễn của mình và thỏa sức sáng tạo, thăng hoa cảm xúc qua từng vai diễn trên sân khấu; đưa nghệ thuật hát chèo đến với khán giả, công chúng Thủ đô và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an”./.