Công đoàn Việt Nam: 90 năm vinh quang đồng hành cùng đất nước
Sáng ngày 28/7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm (28/7/1929 – 28/7/2019) ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (CĐVN) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế, cán bộ CĐVN qua các thời kỳ đã tới tham dự buổi lễ này…
Diễn văn tại buổi lễ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Bùi Văn Cường – đã ôn lại truyền thống hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức CĐVN 90 năm qua. Ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam; khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng lý luận, tư tưởng và tổ chức cho CĐVN.
“Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, CĐVN đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam… Những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, các cấp công đoàn, trực tiếp là Tổng LĐLĐVN đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trước hết là đổi mới tư duy về công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), trong đó tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ…” – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định.
90 năm xây dựng và phát triển, trải qua 12 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau như: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc, Tổng LĐLĐVN, Tổng CĐVN và nay là Tổng LĐLĐVN, tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện. Từ chỗ chỉ chiếm số ít trong cơ cấu lao động của đất nước, chủ yếu là công nhân làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, công xưởng nhỏ… thì ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành lực lượng hùng mạnh, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Giai cấp công nhân Việt Nam tự hào luôn là lực lượng tiên phong, đứng ở trung tâm các sự kiện quan trọng của đất nước.
Để có được thành quả đó, theo lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, sau 90 năm xây dựng và trưởng thành, bước đầu những cán bộ công đoàn đúc kết thành 5 truyền thống quý báu của tổ chức CĐVN, đó là: Hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân và NLĐ; tuyệt đối tin tưởng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng; yêu nước, tự cường, kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới, sáng tạo, đi tiên phong trong đấu tranh và lao động; gắn bó mật thiết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng quan hệ hài hòa với giới sử dụng lao động; có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung, luôn chủ động, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của phong trào công nhân và công đoàn thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích to lớn, những đổi mới đúng hướng và đáng khích lệ, công đoàn và phong trào công nhân thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động không nhỏ đến phong trào công nhân và công tác tập hợp, phát triển đoàn viên công đoàn... Mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn ở một số khu vực chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động. Cán bộ công đoàn còn thiếu, một bộ phận yếu. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số phong trào thi đua chưa đi vào đời sống số đông công nhân viên chức lao động.
Do vậy, để đi tới, đổi mới, phát triển, thời gian tới, cán bộ công đoàn các cấp tiếp tục đổi mới tư duy về công đoàn, nghề công đoàn và hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. Tập trung thực hiện thật tốt chức năng cốt lõi, cơ bản của công đoàn là đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bằng các hoạt động đa dạng, thiết thực, nhất là hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên; tích cực tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng đa dạng, linh hoạt, hướng về cơ sở, trong mọi hoàn cảnh chỉ tổ chức những hoạt động thực sự thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Phát động và triển khai rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo môi trường để công nhân viên chức lao động sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị và đất nước.
Ghi nhận những thành tích mà các cấp công đoàn đã đạt được trong thời gia qua, tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho CĐVN. Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề về công tác đổi mới xây dựng tổ chức CĐVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Theo đó, các cấp công đoàn mà trước hết là Tổng LĐLĐVN phải tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng. Nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và cán bộ công đoàn để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác sát với thực tế, khoa học, khả thi và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của NLĐ và tổ chức hoạt động của CĐVN; tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng và phục vụ nhân dân, làm sâu sắc thêm nhận thức về giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân về Đảng, về tổ chức công đoàn. Phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật về lao động. Động viên, khích lệ NLĐ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; nỗ lực phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình, vì sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp và góp phần vì sự phồn vinh của đát nước; thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ... tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn...; hoàn thiện mô hình tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ngang tầm nhiệm vụ, bộ máy công đoàn các cấp cần được thiết kế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có đủ phẩm chất và năng lực.
Đại diện cho đoàn viên công đoàn, NLĐ cả nước, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Bùi Văn Cường - khẳng định: “Chúng ta xin hứa với Đảng, với cán bộ công đoàn và đoàn viên lớp trước, sẽ đạp bằng mọi thách thức, khó khăn, tiếp tục sáng tạo, đổi mới, có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, mãi mãi xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, là nhân tố tham gia làm nên sức mạnh, ý chí và khát vọng của dân tộc để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.