Cộng đồng cùng chung tay

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung liên tục xảy ra các vụ cháy, nổ tại nhà ở riêng lẻ (chủ yếu là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 6 vụ cháy, nổ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính là do hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ, nhất là khu vực trung tâm thành phố đều là nhà ống, chủ hộ không chú ý đến các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Do đó, khi xảy ra cháy, hầu hết không được phát hiện sớm, dẫn đến việc chữa cháy triển khai chậm, hậu quả để lại nặng nề. Chưa kể, nhiều nhà ở trong ngõ, ngách nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận đám cháy; không ít hộ còn lắp “chuồng cọp” để chống trộm đã vô tình “khóa” luôn lối thoát nạn khi có sự cố xảy ra...

Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, song công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đáng chú ý, đến thời điểm này vẫn chưa có quy chuẩn về thoát nạn, quy định bắt buộc về phòng, chống cháy nổ đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, hiện nay các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chủ yếu vẫn dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ tại nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong khi chờ ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; trước mắt các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27-5-2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho các tầng lớp nhân dân, nhất là kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ gia đình trên địa bàn quản lý…

Với chính quyền địa phương, do đặc thù hầu hết các hộ dân đều xây dựng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất là cửa ra vào; với những nhà trong ngõ, ngách thì hệ thống giao thông đều chật hẹp, phương tiện chữa cháy khó tiếp cận nên cần nghiên cứu các mô hình phòng cháy, chữa cháy phù hợp; chủ động phối hợp tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, thoát nạn cho lực lượng chức năng địa phương và nhân dân phù hợp với thực tế từng khu dân cư.

Đối với mỗi hộ gia đình, cá nhân, bên cạnh việc bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cần tìm hiểu kiến thức phòng cháy, chữa cháy; trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy chuyên dụng trong nhà. Mặt khác, phải xây dựng lối thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra phù hợp với cơ sở vật chất hiện có; với nhà xây mới, thiết kế cần có giếng trời để khói, hơi độc dễ thông thoát khi xảy ra cháy, nổ.

Từ thực tế các vụ cháy tại nhà ở riêng lẻ thời gian qua cho thấy, diễn biến cháy, nổ vẫn hết sức phức tạp, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay. Do đó, để ngăn chặn, hạn chế được tình trạng trên, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Hoàng Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1000989/cong-dong-cung-chung-tay