Cộng đồng doanh nghiệp trân trọng tinh thần cầu thị trong cải cách của cơ quan hải quan

Thời gian qua, cơ quan hải quan được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách, hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại và khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Công chức hải quan hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Công chức hải quan hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Quy trình kiểm tra hàng hóa liên tục được cải tiến

Những nỗ lực cải cách, hỗ trợ và khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua của Hải quan Việt Nam được đánh giá cao trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và thu hút đầu tư. Sự nỗ lực đột phá của công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát hàng hóa đã góp phần làm giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Sự nỗ lực đột phá của công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát hàng hóa, kể cả áp dụng trong các quy trình hải quan đã giúp tối ưu hóa quá trình xử lý hồ sơ và quản lý rủi ro, giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Kwon Yeong Min - Chủ tịch Công ty sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam liệt kê: Có thể kể đến việc tích cực áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS, cho phép các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục khác tại một điểm duy nhất. Điều này giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường minh bạch.

Bên cạnh đó là việc cơ quan hải quan sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các quy trình hải quan đã giúp tối ưu hóa quá trình xử lý hồ sơ và quản lý rủi ro, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp. Cơ quan hải quan cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để hướng dẫn và cập nhật cho doanh nghiệp về các quy định mới, thủ tục hải quan, cũng như giải đáp trực tiếp những thắc mắc, vướng mắc từ phía doanh nghiệp.

Quy trình kiểm tra hàng hóa liên tục được cải tiến bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm tra dựa trên phân tích rủi ro trong quy trình nghiệp vụ của cơ quan hải quan, giúp tập trung nguồn lực cho các lô hàng có nguy cơ cao, từ đó giảm bớt sự chậm trễ cho các lô hàng khác.

Đặc biệt, cơ quan hải quan còn tăng cường hợp tác với các cơ quan liên quan như kiểm dịch thực vật, y tế, an ninh, để đảm bảo quá trình thông quan diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.

Ông Kwon Yeong Min cho rằng, những sáng kiến và cải cách này của cơ quan hải quan đã góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan tại địa bàn quản lý của hải quan địa phương.

Cùng chung đánh giá, ông Juergen Weber - Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, ở cấp độ địa phương, các cục hải quan đã cùng với EuroCham tạo ra tiếng nói chung trong những vấn đề của doanh nghiệp. Đặc biệt, các buổi đối thoại, tập huấn tại các cục hải quan địa phương đã mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đây là hình thức hiệu quả để cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan hiểu rõ hơn vấn đề của nhau, để cùng tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn vướng mắc.

Còn ở cấp độ quốc gia, EuroCham cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, cũng như những hướng dẫn chi tiết từ phía Tổng cục Hải quan để thúc đẩy giải quyết nhanh chóng các vấn đề.

“EuroCham rất trân trọng những nỗ lực không ngừng của Tổng cục Hải quan, đặc biệt là tinh thần cầu thị trong nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính, thể hiện qua việc lắng nghe các ý kiến góp ý, nghiên cứu áp dụng các thông lệ quốc tế trong quy trình thông quan hàng hóa. Điều này đã mang lại thuận lợi rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa rất nhiều so với trước đây” - ông Juergen Weber chia sẻ.

Giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót và vi phạm

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu trọng tâm là nâng tầm vị thế trong thương mại toàn cầu. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại đặt ra yêu cầu phải có những nỗ lực mạnh mẽ để vượt qua thách thức và đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội. Theo đó, các quy trình thủ tục hải quan cần nâng cao hơn nữa mức độ số hóa để đảm bảo sự nhanh chóng và nhất quán. Việc số hóa các thủ tục sẽ giúp hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trở nên hiệu quả và năng suất hơn.

Để xuất giải pháp với cơ quan hải quan, bà Đỗ Thị Thu Thủy - đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh châu Á - Thái Bình Dương (CAPEC) cho rằng, tới đây, cơ quan hải quan cần tiếp tục đánh giá và xem xét các quy trình và thủ tục hải quan hiện tại để đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục phức tạp giúp giảm thời gian, công sức cần thiết từ phía doanh nghiệp để thực hiện các yêu cầu hải quan.

Đồng thời, cung cấp thông tin và tư vấn rõ ràng, dễ hiểu cho doanh nghiệp về các quy định, quy trình và yêu cầu hải quan giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn và tuân thủ đúng các quy định hải quan, giảm thiểu sai sót và vi phạm.

Một số doanh nghiệp khác đề nghị cơ quan hải quan tăng cường đào tạo và cung cấp các chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về hải quan, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình thông quan, khai báo hải quan và các quy định liên quan, từ đó tăng khả năng tuân thủ và thực hiện đúng các yêu cầu hải quan. Đặc biệt là tạo môi trường hợp tác và tương tác với doanh nghiệp, bao gồm việc tổ chức các cuộc họp, hội thảo và sự kiện để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết các vấn đề chung./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-dong-doanh-nghiep-tran-trong-tinh-than-cau-thi-trong-cai-cach-cua-co-quan-hai-quan-157639-157639.html