Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi dỡ bỏ cấm vận đối với Mali: Cơ hội khôi phục giao thương Việt Nam- Mali

Ngày 6/10/2020, lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước thành viên (bao gồm cả Mali) đã tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Mali sau cuộc binh biến ngày 18/8/2020 lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Mali đã chỉ định Đại tá nghỉ hưu Mali Bah Ndaw làm Tổng thống lâm thời và cựu Ngoại trưởng Moctar Ouane làm Thủ tướng lâm thời trong chính phủ chuyển tiếp dự kiến kéo dài 18 tháng.

Tuyên bố của ECOWAS nêu rõ: "Do những tiến bộ đáng kể hướng tới lập lại trật tự hiến pháp và nhằm ủng hộ tiến bộ này, các lãnh đạo ECOWAS đã quyết định dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Mali, đồng thời kêu gọi các đối tác song phương và đa phương ủng hộ Mali".

Trước đó, ngày 5/10, Tổng thống lâm thời Bah Ndaw đã thành lập chính phủ gồm 25 thành viên. Chính quyền quân sự cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự.

Binh biến đã xảy ra tại Mali ngày 18/8/2020 khi một nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên chính phủ. Tổng thống Keita sau đó đã tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội. Một ngày sau đó, ECOWAS đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này. Cụ thể, ECOWAS đã tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ, trên không cũng như ngừng mọi giao dịch kinh tế, thương mại và tài chính giữa 14 nước thành viên với Mali, đồng thời kêu gọi các đối tác cũng làm như vậy. Tổ chức này cũng đã tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách của ECOWAS. Ngân hàng các quốc gia Tây Phi (BCEAO) đã yêu cầu các ngân hàng, cơ sở tài chính trực thuộc yêu cầu tạm ngừng giao dịch với Mali, gây đình trệ hoạt động thanh toán quốc tế tại nước này.

Là một quốc gia nằm sâu trong lục địa và không có biển, 90% hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiêu thụ tại Mali là hàng nhập khẩu phải quá cảnh qua các cảng biển Dakar (của Senegal), Abidjan (Côte d’Ivoire), Cotonou (Benin) và Conakry (CH Guinea). Lệnh cấm vận kéo dài từ 19/8/2020 đến 6/10/2020 vừa qua đã làm cho Mali bị cô lập với bên ngoài, hoạt động ngoại thương bị gián đoạn, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Mali đạt 38,9 triệu USD, tăng gần 11 lần so với năm 2018 với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu thô (27 triệu USD), xi măng (10,5 triệu USD), hải sản, hạt tiêu, gạo, sản phẩm chất dẻo… Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 28,49 triệu USD, tăng 24% so với năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông các loại (chiếm tới 28 triệu USD), hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép… Với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của ECOWAS đối với Mali, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và quốc gia Tây Phi này sẽ được khôi phục trở lại.

Hoàng Đức Nhuận - Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Mali

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-dong-kinh-te-cac-quoc-gia-tay-phi-do-bo-cam-van-doi-voi-mali-co-hoi-khoi-phuc-giao-thuong-viet-nam-mali-145016.html