Cộng đồng mạng phẫn nộ với lớp học dạy cách 'moi tiền' đàn ông
Mới đây, một công ty chuyên dạy phụ nữ cách 'moi tiền' đàn ông đã bị cơ quan giám sát thị trường thành phố Từ Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) thu hồi giấy phép kinh doanh; đây cũng là trường hợp đầu tiên bị chính quyền nước này xử phạt vì nội dung dạy học phản cảm và bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội.
Trước đó, Ling Tongtong - người đứng đầu công ty tự nhận mình là "mẹ đỡ đầu của những cô gái trà xanh" (trà xanh là tiếng lóng chỉ các cô gái xảo quyệt, mưu mô nhưng bề ngoài lại tỏ ra ngây thơ) trên mạng xã hội. Cô giúp đỡ phụ nữ có được bất cứ thứ gì mà họ muốn từ người đàn ông họ đang theo đuổi. Bằng các chiêu "tẩy não" và "thao túng tinh thần", học viên sẽ học được cách khiến đàn ông si mê và cung phụng bằng quà cáp đắt tiền nhờ câu thần chú: "Old men are chill, old men foot the bill" (Đàn ông già là để chơi, đàn ông già để trả mọi chi phí".
Công ty của Tongtong có nhiều khóa học như hôn nhân viên mãn, đào tạo nữ thần, chia tay,…mỗi khóa học có giá 3.999 tệ (14 triệu đồng) và đa số khách hàng của họ đều ở Mỹ. Đồng thời, Tongtong sẽ yêu cầu những người có nhu cầu theo học cung cấp lịch sử trò chuyện chi tiết với người đàn ông mà họ muốn tán tỉnh để tư vấn khóa học phù hợp và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, khi theo học, nhiều người mới phát hiện họ bị lừa bởi giáo trình của công ty này dường như cố tình tạo ra mâu thuẫn giữa nam và nữ; do đó một khách hàng đã báo cáo sự việc với cảnh sát và yêu cầu Tongtong hoàn lại tiền học phí.
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện công ty trên mặc dù đăng ký giấy phép kinh doanh tại Từ Châu nhưng chủ yếu hoạt động trực tuyến; họ từng bị cơ quan giám sát thị trường thành phố yêu cầu thay đổi nội dung khóa học.
Hiện tại, công ty của Ling Tongtong đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh và xử phạt đồng thời phải thay đổi lại chương trình giảng dạy, tài khoản mạng xã hội của công ty trên nền tảng Weibo và WeChat đã bị xóa. Mặc dù vậy họ vẫn có sẵn các lớp học 1 “thầy” với 1 trò. "Nhu cầu học viên rất lớn. Chúng tôi không làm gì bất hợp pháp", đại diện công ty cho biết.
Trên mạng xã hội, dịch vụ dạy cách “moi tiền” đàn ông trên bị nhiều người chỉ trích dữ dội. Trong đó các ý kiến bày tỏ: “Học thì cũng được thôi. Moi tiền đàn ông? Cũng được! Đó là quyền của các bạn. Nhưng có điều, moi tiền đàn ông không dễ. Tất nhiên có những đàn ông thích chi tiền, nhưng là chi tiền có mục đích. Vì đồng tiền sẽ giúp anh ta "đánh nhanh rút gọn", không vướng víu trách nhiệm lôi thôi. Đầu tư thì phải có lời, không ai cho không ai cái gì cả. Người ta có câu "ăn bánh trả tiền" là vậy. Tốt nhất hãy là chính mình chứ đừng học cách dụ dỗ người khác như cái khóa học vô đạo đức này”, “Lừa đảo dối trá là 1 hành động vô cùng thất đức, nghiệp lực rất lớn. Những người lừa tình lừa tiền người khác dù có sung sướng dư dả lúc này thì chắc chắn hậu vận sẽ không tốt”, “Lừa tình cộng lừa tiền chính là lừa chính bản mình. Tất cả do mất cân bằng giới mà ra, đàn ông nhiều lại có tiền thì ắt hẳn sinh ra cái dịch vụ này thôi. Rồi nồi nào úp vung nấy, anh cần tình em cần tiền, cơ bản cũng như mại dâm vậy thôi. Còn người có nhân sinh quan đúng đắn thì khó để rơi vào vòng xoáy này và cần có chiến dịch tẩy chay tất cả các khó học như thế này”,…
Theo The Paper, dịch vụ tư vấn tình yêu, tình dục nhiều năm trở lại đây nở rộ ở Trung Quốc. Được biết, nghệ thuật tán tỉnh (pick-up artist, viết tắt là PUA) được du học sinh nước này du nhập về nước từ năm 2007. Về bản chất, PUA dạy nam giới cách bắt chuyện và cưa cẩm một đối tượng bất kỳ nhưng tại Trung Quốc "nghệ thuật" này bị biến chất trở thành các khóa học dạy cách dụ dỗ, “moi tiền”, đối phương thậm chí là thao túng tâm lý, khiến họ tự tử. Trong số đó nổi tiếng là trang web Paoxuewang, trước khi bị chính quyền bắt ngừng hoạt động vào năm 2018 nó có tới 2 triệu thành viên. Tính đến nay đã có tới 6 triệu người Trung Quốc trả tiền học về PUA.
"Các lớp học về PUA phần nào phản ánh áp lực xã hội lớn khiến phụ nữ Trung Quốc luôn có suy nghĩ phải lợi dụng người khác bằng cách tập trung đầu tư vào tình yêu, hôn nhân để có cuộc sống sung túc", Angela Xiao Wu, nhà nghiên cứu về truyền thông tại Đại học New York (Mỹ) đưa ra quan điểm về trường hợp của Ling Tongtong và thực trạng dịch vụ tư vấn tình yêu ở Trung Quốc hiện tại.