Cộng đồng người Brâu gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng cuộc sống ấm no
Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt đối với các dân tộc rất ít người, trong đó có cộng đồng người Brâu.
Brâu là dân tộc thiểu số dưới 1.000 người. Người Brâu cư trú chủ yếu tại làng Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng người Brâu tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa và nỗ lực xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Dân tộc Brâu là chủ nhân của nhiều giá trị văn hóa cổ truyền.
Trang phục của đồng bào Brâu không mấy cầu kỳ, đàn ông xưa đóng khố, đàn bà quấn váy tấm.
Màu sắc trang phục của họ không cầu kỳ, sặc sỡ, nhưng họa tiết hoa văn thì rất tinh tế. Trong đó, hoa văn trên trang phục của người đàn ông là hình hàng rào, mũi tên, còn họa tiết trong trang phục của phụ nữ thường nhẹ nhàng hình hoa, thực vật và các ký tự chữ cái…
Phụ nữ Brâu có tục căng tai để đeo những khoanh nứa, vàng hoặc khuyên bằng ngà voi. Đây là một quá trình lâu dài, từ khi các bé gái mới 1 - 2 tuổi đến khi về già.
Lỗ tai của phụ nữ được căng rộng dần bằng việc thay những chiếc khuyên to dần theo thời gian. Đến thời điểm độ rộng đạt tối đa, đôi dái tai bị đứt hẳn thì được xem là căng tai thành công và là điềm may mắn đối với cả gia đình, cộng đồng.
Nhà rông của dân tộc Brâu là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Giữa làng là nhà rông “mẹ” dùng để tổ chức các nghi lễ quan trọng, hai bên là nhà rông “con” dành cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa truyền thống.
Nhà dân xung quanh được xây dựng theo ô bàn cờ, bao quanh trung tâm là các nhà rông, tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt, gắn kết cộng đồng.
Người Brâu sống trong những ngôi nhà sàn có mái dốc cao. Nền sàn được cấu tạo thành hai nấc cao thấp khác nhau để phân định chức năng sinh hoạt. Nhà chính đi sang nhà phụ qua một cầu sàn.
Đồng bào Brâu cũng như các dân tộc khác sống trên địa bàn rừng núi, làm nhà sàn để tránh muông thú và sử dụng phía dưới sàn làm chỗ nuôi nhốt gia súc, để đồ,...
Đồng bào dân tộc Brâu phong phú, đa dạng về lễ hội truyền thống. Vì thế, hệ thống nhạc cụ để phục vụ lễ hội của họ cũng hết sức phong phú và có nhiều đặc trưng, độc đáo.
Nổi bật trong số đó là bộ chiêng Tha. Đối với người Brâu, chiêng Tha không chỉ là nhạc cụ, mà còn được coi là thần linh, là tổ tiên của người Brâu. Vì vậy, khi diễn ra những lễ hội quan trọng chiêng Tha luôn là vật chính của lễ hội.
Một bộ chiêng Tha gồm có hai chiếc, chiếc nhỏ gọi là chiêng vợ (chuar) và chiếc lớn hơn là chiêng chồng (Jơ Liêng). Vì là vật linh thiêng nên chỉ có những người đàn ông mới được đánh chiêng Tha.
Ngoài ra, họ thường chơi đàn Klông pút. Đây là loại nhạc cụ gồm các ống lồ ô với các kích thước khác nhau đem ghép với nhau, tạo âm thanh bằng đôi bàn tay vỗ vào nhau ngoài miệng ống. Đàn Klông pút của người Brâu tạo ra thứ âm thanh trầm tĩnh, thẳm sâu như lời tâm tình thủ thỉ của sông suối nơi đại ngàn.
Người Brâu có ít lễ hội, lễ ăn mừng cơm mới sau ngày thu hoạch là ngày Tết. Ngày Tết tùy thuộc vào thời vụ và từng gia đình cụ thể, không quy định ngày nào thống nhất. Nông lịch được bà con tính theo tuần trăng và định ra tháng theo mùa vụ canh tác rẫy lúa từ xa xưa.
Dân ca của người Brâu khá phong phú bao gồm truyện cổ về thần sáng tạo Pa Xây, huyền thoại Un cha đắp lếp, những bài ca đám cưới, hát ru.
Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt đối với các dân tộc thuộc nhóm dân tộc ít người, trong đó có cộng đồng dân tộc Brâu. Không chỉ là những chính sách tạo dựng, đáp ứng các điều kiện về phúc lợi, dân sinh để đồng bào phát triển toàn diện trên lĩnh vực đời sống vật chất, đồng bào Brâu còn được đầu tư, hỗ trợ giữ gìn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, như phong tục tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc… nhằm nâng cao đời sống tinh thần.