Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một nguồn lực cho sự phát triển
'Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã chuyển từ 'an cư' sang 'lạc nghiệp' và phát triển, được chính quyền và nhân dân sở tại ghi nhận, đánh giá là một nguồn lực cho sự phát triển', Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu trả lời phỏng vấn báo chí nhân một năm triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ của Chính phủ về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới.
Ông có thể cho biết về tình hình và một số đánh giá về cộng đồng NVNONN hiện nay?
Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2013, đến nay cộng đồng NVNONN có khoảng hơn5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cộng đồng ở nhiều nơi đã chuyển từ “an cư” sang “lạc nghiệp” và phát triển, được chính quyền và nhân dân sở tại ghi nhận, đánh giá là một nguồn lực cho sự phát triển. Cộng đồng ngày càng tham gia sâu và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính trường sở tại.
Các thế hệ con cháu kiều bào lớn lên, được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, bên cạnh đó là lượng sinh viên đi du học và ở lại lập nghiệp, đã góp phần đáng kể gia tăng thế hệ kiều bào trẻ cả về lượng và chất. Nhiều tài năng trẻ người Việt gặt hái thành công, khẳng định tên tuổi của mình trên trường quốc tế.
Có hai đặc điểm tôi nghĩ không bao giờ thay đổi ở bà con kiều bào, đó là truyền thống đoàn kết và tấm lòng hướng về quê hương đất nước.
Về truyền thống đoàn kết, thông qua hàng ngàn hội đoàn của NVNONN, bà con ngày càng gắn kết chặt chẽ, chia sẻ, đùm bọc và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhu cầu kết nối của cộng đồng ngày nay không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà đã vươn ra phạm vi châu lục, thông qua Liên hiệp Hội người Việt Nam toàn châu Âu hay Mạng lưới chuyên gia trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo được điều hành bởi 21 Hội Trí thức kiều bào từ 15 quốc gia…
Các thế hệ con cháu kiều bào lớn lên, được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, bên cạnh đó là lượng sinh viên đi du học và ở lại lập nghiệp, đã góp phần đáng kể gia tăng thế hệ kiều bào trẻ cả về lượng và chất. Nhiều tài năng trẻ người Việt gặt hái thành công, khẳng định tên tuổi của mình trên trường quốc tế.
Gần đây nhất, khi chiến sự xảy ra tại Ukraine, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu đã tích cực quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm, lương thực, chỗ ở cho hàng ngàn người Việt Nam tại Ukraine di tản sang các nước lân cận. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các hội đoàn NVNONN như Hội Sinh viên, Hội Doanh nhân… đã tổ chức nhiều đợt phát động quyên góp, ủng hộ các cá nhân, gia đình gặp khó khăn.
Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào ta ở nước ngoài.
Về kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng và đạt 18,1 tỷ USD. Gần 400 dự án kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1.7 tỷ USD; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về nước thành lập, đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.
Trong hai năm 2020 – 2021, kiều bào đóng góp 80 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật ủng hộ cho Quỹ vắc xin và công tác phòng chống dịch COVID-19 ở trong nước. Từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho Trường Sa và Nhà giàn DK1 hơn 10 tỷ đồng, cùng 2 xuồng chủ quyền, hơn 3 tỷ đồng cho “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam” và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng.
Về tri thức, có nhiều trí thức NVNONN tham gia vào các cơ chế tư vấn của chính phủ, 17 kiều bào là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Các mạng lưới chuyên gia, trí thức kiều bào kết nối kiều bào ở nhiều nước, nhiều khu vực và với các cơ quan, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu ở trong nước, tổ chức nhiều hoạt động, diễn đàn, hội nghị quy tụ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia NVNONN.
Kiều bào còn đóng góp quan trọng trong việc tạo cầu nối, tăng cường quảng bá, xây dựng hình ảnh, vị thế, uy tín của đất nước đối với sở tại nói riêng và thế giới nói chung.
Tuy vậy, ở một số địa bàn, khu vực, bà con kiều bào vẫn còn nhiều khó khăn về địa vị pháp lý, quyền lợi cơ bản chưa được đảm bảo, chưa thực sự hội nhập vào xã hội sở tại, đòi hỏi sự quan tâm và chăm lo hơn nữa của Đảng và Nhà nước ta.
Sau khi Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới ra đời, công tác này đã được triển khai như thế nào, đặc biệt là với những điểm mới của kết luận, thưa thứ trưởng?
Hơn một năm qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tích cực, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, đặc biệt tập trung vào những điểm đột phá mà Kết luận 12 và Nghị quyết 169 yêu cầu.
Về công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ủy ban đã xây dựng và trình lãnh đạo bộ ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao; tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận 12 và Nghị quyết 169 tới 63 tỉnh, thành, các ban, sở ngành, tổ chức chính trị xã hội trong cả nước và gần 100 cơ quan đại diện ở nước ngoài, nhằm phổ biến chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác NVNONN trong tình hình mới.
Công tác đại đoàn kết là một trong hai đột phá mà ủy ban tập trung triển khai sau Kết luận 12. Hiện chúng tôi đang phối hợp xây dựng nhiều chương trình nhằm tăng cường hơn nữa đại đoàn kết dân tộc với đồng bào ở nước ngoài. Chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đều có những hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến đóng góp và giải đáp những phản ánh của bà con.
Các sự kiện do ủy ban chủ trì tổ chức thành công mang lại ý nghĩa tích cực cho công tác đại đoàn kết dân tộc, gắn kết kiều bào với quê hương, như chương trình “Xuân Quê hương 2022”, Lễ Giỗ Tổ Hùng vương, Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chương trình Trại hè Việt Nam 2022…
Song song với đó, công tác hỗ trợ cộng đồng được đẩy mạnh, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ đồng bào ta tại địa bàn khó khăn như Campuchia, Ukraine…
Công tác vận động, phát huy nguồn lực của NVNONN tiếp tục được chú trọng triển khai. Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng đề án tăng cường phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước. Hiện đang thúc đẩy hình thành Mạng lưới Chủ tịch các Hội Doanh nhân kiều bào (32 chủ tịch ở 26 quốc gia) và Hội trí thức kiều bào (30 chủ tịch ở 26 quốc gia); đặc biệt trong đó hình thành các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại các nước và vùng lãnh thổ (châu Âu, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Úc…).
Các sự kiện do ủy ban chủ trì tổ chức thành công mang lại ý nghĩa tích cực cho công tác đại đoàn kết dân tộc, gắn kết kiều bào với quê hương, như chương trình “Xuân Quê hương 2022”, Lễ Giỗ Tổ Hùng vương, Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chương trình Trại hè Việt Nam 2022…
Từ sau Kết luận 12, ủy ban đã tổ chức khoảng 50 sự kiện kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Ủy ban cũng tích cực rà soát các chính sách pháp luật đối với NVNONN; phát động chương trình khảo sát toàn diện ý kiến NVNONN về pháp luật, thủ tục hành chính liên quan.
Về công tác văn hóa và tiếng Việt, ủy ban cũng nỗ lực đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các nước có đông kiều bào. Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án “Ngày Tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030”, lấy ngày 8/9 là dấu mốc quan trọng hằng năm tôn vinh sự giàu đẹp của Tiếng Việt, thúc đẩy phong trào dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng.
Công tác thông tin đối với NVNONN được đẩy mạnh, kịp thời thông tin về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến kiều bào, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Xin cảm ơn thứ trưởng!