Cộng đồng Phật giáo tự cung tự cấp ở Thái Lan
Cộng đồng Phật giáo này có tên Santi Asoke, nghĩa là Peaceful Asoka (Bình yên Asoka), ngày càng phát triển và đi vào lòng cộng đồng, hướng đến sự bền vững qua phương thức tự cung tự cấp - theo The Buddhist Door.
Cộng đồng vận hành nhiều dự án an sinh xã hội nhỏ cùng với một số tu viện ở Thái Lan; gồm các cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng, chợ phiên của nông dân (ảnh) và một nhà hàng Ấn Độ cung cấp suất ăn miễn phí cho người có nhu cầu cùng nhiều hoạt động khác.
Học giả người Anh, Peter Harvey mô tả cộng đồng này có tính “bình quân chủ nghĩa và dân chủ”. Phong trào và cộng đồng Santi Asoke được sáng kiến bởi sư Phra Bodhirak vào năm 1975.
Sứ mệnh và nhiệm vụ của cộng đồng này là làm sống lại đời sống đơn giản và ít nhu cầu của truyền thống tu học trong rừng của các nhà sư Thái Lan.
Đến năm 1985, cộng đồng này lâm vào cảnh khó khăn khi chính quyền Bangkok mới bầu cử bắt đầu các chính sách chống tham nhũng.
Hoạt động của cộng đồng Santi Asoke phổ biến trở lại sau khủng hoảng kinh tế châu Á vào năm 1997, bắt đầu ở Thái Lan khi đồng tiền của nước này mất đi hơn nửa giá trị.
Năm 1998, để đối phó với tình hình khủng hoảng, cựu hoàng Bhumibol Adulyadej khuyên người dân Thái nên theo hình thức tự cung tự cấp. Mô hình này phản ánh lối sống của các thành viên cộng đồng Santi Asoke từ những năm trước đó.
Ngày nay, cửa hàng bán hàng đã qua sử dụng của cộng đồng Santi Asoke nằm ở các vùng ngoại ô đông bắc Bangkok, có rất nhiều món hàng được đóng góp bởi các thành viên cộng đồng.
“Mọi người đóng góp bất cứ gì họ không cần dùng đến nữa. Chúng tôi không có giá cố định cho các món hàng. Người có nhu cầu đến và chọn món họ muốn mua; cũng như bán sỉ, chúng tôi chỉ báo một giá. Cửa hàng bán mọi thứ, từ quần áo cho đến máy điều hòa nhiệt độ. Những món không trực tiếp bán ngay được, chúng tôi sửa chữa lại và bán sau.
Chúng tôi cũng tái chế giấy, các sản phẩm nhựa và bán cho người tái chế. Ai cũng có thể đóng góp đồ dùng cho chúng tôi. Đôi khi, chúng tôi có được đồ mới từ người giàu có” - chia sẻ của người đứng đầu cộng đồng, Samdin Lersbusway với In Depth News.
Cộng đồng Santi Asoke duy trì hoạt động của một tờ báo in, các đài phát thanh, các trường học. Trường học giảng dạy các môn học cơ bản, đạo đức Phật giáo, cách hợp tác làm việc, mỹ thuật, âm nhạc... Các chương trình cắm trại cho trẻ em và người trẻ tuổi - nơi lồng ghép giảng dạy về tính tự kỷ luật và giúp ích cho cộng đồng, sự hiểu biết sâu sắc về môi sinh, nông nghiệp tự nhiên và Phật giáo.
Santi Asoke là những cộng đồng Phật giáo tự cung tự cấp. Chư Tăng và mọi người sống theo lời dạy của Đức Phật và họ phát triển cuộc sống bền vững. Ở chừng mực nào đó, lối sống này cũng tốt khi đối diện với biến đổi khí hậu và phân chia chính trị - nhận xét của nhà sản xuất truyền hình Thái Lan, Pipope Panitchpakdi.
Hiện nay, cộng đồng Santi Asoke có khoảng 10.000 thành viên, con số khiêm tốn trong tổng số 69 triệu dân Thái Lan.
Thái Lan có 94,5% dân số là Phật tử, theo thống kê của chính phủ Thái Lan năm 2015.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2019/12/13/12c6d3/