Cộng đồng phim bàn luận sôi nổi xung quanh 'Đất rừng phương Nam'
Trên các diễn đàn, bộ phim 'Đất rừng phương Nam' nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận của khán giả. Cùng với những lời khen ngợi, phim để lại không ít bàn luận, nhận xét đa chiều.
Nhiều góc nhìn tranh luận
“Đất rừng phương Nam” ra rạp với các suất chiếu sớm vào ngày 13/10, xoay quanh nhân vật bé An đi tìm cha giữa bối cảnh cuộc nổi dậy chống Pháp của người miền Nam đầu thế kỷ 20.
Sau khi xem các suất chiếu sớm, nhiều đạo diễn, diễn viên khen ngợi: "Phim đem đến tiếng cười, nước mắt và cả sự rung động về lòng tự hào dân tộc, về khí chất của con người miền Nam, và con người Việt Nam. Xem phim thấy yêu quê hương mình hơn, và yêu cái nghề của mình hơn" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (Phan Teu) viết trên trang Facebook cá nhân. Còn đạo diễn Charlie Nguyễn nhận xét: “Ngẹn ngào, nức nở, thương những con người của Đất rừng phương nam quá xá! Cảm ơn ekip cho mình thưởng thức một tác phẫm tràn đầy cảm xúc”.
Tuy nhiên, một số người cho rằng tác phẩm đã “xuyên tạc lịch sử” khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội. Trước sự chỉ trích này Hội đồng thẩm định phim, Nhà sản xuất “Đất rường phương Nam” đã có ý kiến, điều chỉnh tên các tổ chức trong phim.
Mặc dù vậy, trên các diễn đàn, mạng xã hội, không ít tranh luận đã diễn ra. Có ý kiến cho rằng phim “xuyên tạc lịch sử” là không thể chấp nhập; trong khi đó nhiều người trong giới làm phim lẫn một số khán giả cho rằng phim điện ảnh là tác phẩm hư cấu, không phải tư liệu lịch sử, không thể xem như phim tài liệu để soi mói từng chi tiết.
Trao đổi với báo chí, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt chia sẻ: Vì đây là một phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng, do đó, những tranh cãi về chi tiết lịch sử, cũng như là sự xuất hiện của các nhân vật như thế nào so với nguyên tác rõ ràng đang tạo ra một cuộc tranh cãi cần thiết. Ở góc độ một người đọc tác phẩm và một người xem phim, tôi cũng đồng ý là có những thứ hoàn toàn không có trong tác phẩm văn học, cũng như nếu so với bối cảnh lịch sử thì có nhiều chi tiết trong phim cũng không hợp lý. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một phim giải trí không phải là phim lịch sử, thành ra việc ê-kíp hư cấu để tạo ra kịch tính cho câu chuyện là có thể hiểu được. Vấn đề quan trọng là cách chúng ta hư cấu có tạo ra sự đồng thuận với cảm xúc khán giả có hiểu biết về lịch sử vùng đất, hay là chúng ta đi ngược lại với những gì thuộc về lịch sử của vùng đất này".
Khán giả nhặt sạn
Theo nhiều người theo dõi lĩnh vực điện ảnh, phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gây tranh cãi do thiếu sự khéo léo từ ê-kíp thực hiện. Vì vậy, đây là một kinh nghiệm cần được chăm chút thận trọng để tác phẩm thuyết phục khán giả trọn vẹn. Nếu phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết và cả phiên bản truyền hình, hoàn toàn hư cấu, bối cảnh chính thức từ cột mốc thời gian trước năm 1930 thì nên ghi chú rõ ràng trước khi bắt đầu vào phim. Bởi tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi bắt đầu với bối cảnh có cột mốc thời gian từ sau năm 1945 trong khi phim truyền hình lại khác.
Bên cạnh những tranh luận về lịch sử, trang phục của một số nhân vật trong phim và MV nhạc phim cũng dẫn tới những tranh luận vì không giống với áo bà ba truyền thông của người Nam Bộ. Ngay cả nhân vật do Trấn Thành đóng có cách quấn khăn rằn cũng có nhận xét rằng không giống với đời thực lúc bấy giờ, thậm chí nhiều người còn hài hước nói rằng chiếc khăn rằn mà anh sử dụng trong phim là hàng “ngoại nhập”.
Trước đó, ngay sau khi "Đất rừng phương Nam" chiếu ra mắt báo giới cùng các khách mời là diễn viên hai phiên bản truyền hình lẫn điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích, phim đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết, tức là thay vì bối cảnh những năm 1945 thì phiên bản điện ảnh giữ tinh thần bối cảnh của phiên bản phim truyền hình "Đất phương Nam", tức là lấy mốc thời gian trước năm 1930. Và với anh thì miền Tây là vùng đất du nhập nhiều người, nơi chào đón nhiều vùng miền, là nơi có sự hiện diện của nhiều cộng đồng văn hóa.
Hiện những tranh luận đang nối tiếp nhau khiến phim "Đất rừng phương Nam" thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo hệ thống theo dõi doanh thu phòng vé Box Office Vietnam, đến sáng 16/10, phim “Đất rừng phương Nam” thu được hơn 44,7 tỷ đồng. Con số này được thống kê từ tối 13/10 đến hết ngày 15/10, tương đương ba ngày chiếu sớm của phim. Dịp cuối tuần, “Đất rừng phương Nam” dẫn đầu doanh thu phòng vé tại Việt Nam. Theo thông tin từ nhà phát hành, bộ phim có hơn 1.600 suất chiếu trong hơn hai ngày đầu ra rạp.