Cộng đồng quốc tế đạt tiến triển trong nỗ lực khắc chế dịch virus Corona
Số ca tử vong và số người nhiễm bệnh viêm đường hô cấp cấp do virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra vẫn tăng. Tuy nhiên, các nước trên thế giới bắt đầu đạt được những tiến triển trong nỗ lực khắc chế dịch bệnh.
Virus Corona
Đầu tháng 12/2019, một chủng virus Corona mới xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc sau khi 41 người bị viêm phổi mà không rõ nguyên nhân chính xác. Các ca bệnh ở Vũ Hán đều liên quan tới chợ hải sản Huanan. Có giả thiết cho rằng chủng mới của virus Corona bắt nguồn từ động vật được bày bán tại đây.
Đã có bằng chứng virus lây từ người sang người và tới cuối tháng 1/2020, số ca nhiễm đã tăng lên hàng nghìn người trên toàn thế giới. Trung Quốc mà cụ thể là Vũ Hán vẫn là nơi có nhiều người chết và nhiễm virus nhất nhưng khoảng 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ca bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh của virus mới kéo dài từ 2-14 ngày. Hiện chưa rõ virus có thể lây lan trước khi xuất hiện triệu chứng hay chưa. Các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp mà virus Corona gây ra gồm sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của dịch bệnh mới này mới ở mức 2,1%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong trong các dịch bệnh trước đây liên quan tới virus Corona như Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng Hô hấp cấp nặng (SARS).
Theo trang web theo dõi dịch bệnh do virus Corona gây ra của hãng tin Hà Lan BNO News, tính tới ngày 5/2, có 24.553 ca nhiễm bệnh được xác nhận ở mọi tỉnh thành tại Trung Quốc. Ca tử vong đầu tiên xảy ra vào ngày 9/1 và từ đó tới 5/2, có 492 ca tử vong. Ngoài ra, có hai ca tử vong ngoài Trung Quốc Đại lục được ghi nhận ở Philippines và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 2/2, tới nay, 80% nạn nhân của virus Corona đều là người già trên 60 tuổi và 75% trong số đó đều có bệnh sẵn như tiểu đường, huyết áp cao... Trên 97% nạn nhân là ở tỉnh Hồ Bắc. Tỷ lệ tử vong ngoài Hồ Bắc là 0,16%. Tính tới ngày 5/2, đã có 921 người hồi phục trên cả Trung Quốc.
Từ khi virus Corona lây lan, gây bùng phát dịch bệnh toàn cầu, nhiều hoạt động mừng Năm mới và hoạt động du lịch đã bị hủy ở nhiều nước. Một số khu vực và quốc gia đóng cửa các trường học. Nhiều thành phố ở Trung Quốc bị phong tỏa để kiềm chế virus lây lan, trong đó có ổ dịch Vũ Hán với 11 triệu dân và là trung tâm giao thông lớn ở Trung Quốc.
Một số quốc gia đã ban bố cảnh báo đi lại tới Vũ Hán và Hồ Bắc. Người nào từng đi tới Trung Quốc Đại lục đều bị yêu cầu theo dõi sức khỏe trong ít nhất hai tuần và báo cáo với chức y tế dấu hiệu nhiễm virus. Các sân bay và ga tàu hỏa ở các nước đều kiểm tra thân nhiệt hành khách, hướng dẫn hành khách khai báo tình trạng sức khỏe và lịch sử đi lại để xác định người mang virus.
Sau hai lần trì hoãn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đợt bùng phát dịch này là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu với lo ngại virus có thể lan sang các nước có hệ thống y tế yếu.
Theo WHO, tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một biện pháp phòng ngừa và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ lẫn nhau.
Chạy đua tìm cách khắc chế virus
Theo kênh CNN (Mỹ), đợt bùng phát dịch do virus Corona hiện nay chưa được WHO coi là đại dịch. Giới chức WHO hy vọng có thể kiềm chế virus lây lan bằng các biện pháp kiểm soát dù thừa nhận việc này là thách thức vì hoạt động di chuyển dày đặc trên toàn cầu.
Trong khi các nhà khoa học chạy đua với thời gian để tìm vaccine, có nhiều dấu hiệu hy vọng trong điều trị bệnh do virus này gây ra. Sau nhiều nỗ lực, cộng đồng quốc tế cũng đạt được tiến triển trong việc ngăn chặn và dập dịch. Ngày 5/2, Hàn Quốc trở thành nước thứ ba điều trị thành công bệnh nhân nhiễm nCoV bằng thuốc điều trị HIV.
Giới chức Thái Lan ngày 3/2 cho biết bệnh nhân thứ hai đã được điều trị bằng phương pháp kết hợp thuốc chữa cúm và HIV. Trước đó, các bác sĩ cho biết đã điều trị thành công cho một cụ bà Trung Quốc 71 tuổi khi kết hợp hai thuốc này.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết bệnh nhân 71 tuổi có các triệu chứng nặng nhất trong các bệnh nhân ở Thái Lan. Dù cho rằng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào một số trường hợp ít ỏi nhưng ông Anutin hy vọng các cơ cở nghiên cứu, cơ sở y tế có thể lấy kết quả điều trị này để tìm thêm nhiều thông tin.
Trong khi đó, Gilead Sciences, công ty thuốc sinh học chế ra Remdesivir - thuốc kháng virus dùng để trị virus Ebola, cho biết đang phối hợp với giới chức y tế Trung Quốc để xem thuốc này có chữa được các triệu chứng do virus Corona gây ra hay không. Remdesivir có một số thành công trong trị virus gây ra hội chứng MERS và hội chứng SARS ở động vật. Hai virus gây MERS và SARS đều là các chủng khác của virus Corona.
Theo các chuyên gia y tế, các ca bệnh có thể giảm mạnh vào tháng 5 tới, khi nhiệt độ ở Trung Quốc tăng lên. Tuy nhiên, khi dịch dịu dần thì động lực bào chế vaccine của các công ty có thể cũng giảm theo.
Tác động kinh tế
Theo kênh CNN (Mỹ), các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly nghiêm ngặt nhất được áp dụng ở Trung Quốc đã bắt đầu tác động tới kinh tế nước này. Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc khi mở cửa ngày 3/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thiệt hại trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến là 445 tỷ USD. Ngày 3/2 là ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Thượng Hải từ năm 2015 và ngày tồi tệ nhất từ năm 2007 với Thâm Quyến.
Giá trị đồng Nhân dân tệ cũng giảm. Giá dầu thế giới cũng giảm do lo ngại đợt bùng phát virus sẽ làm suy giảm mức cầu ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Giới chức Trung Quốc đã thông báo bơm 173 tỷ USD vào các thị trường nhằm duy trì thanh khoản hợp lý trong hệ thống ngân hàng và giữ thị trường tiền tệ ổn định.
Hong Kong, vốn đã ở trong tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật sau hơn 6 tháng biểu tình, cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà phân tích sợ rằng ảnh hưởng của virus Vũ Hán có thể xóa sổ nhiều doanh nghiệp.
Tờ Foreign Policy (Mỹ) dự báo ngoài kinh tế Trung Quốc, kinh tế các nước khác từ Đông Nam Á cho tới Nam Mỹ đều bị ảnh hưởng khi mà triển vọng tăng trưởng mờ nhạt do hoạt động đi lại bằng đường hàng không bị gián đoạn, chuỗi cung bị xáo trộn, giá cả hàng hóa biến động khó lường.
Ông Kaho Yu, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn chiến lược Verisk Maplecroft (Anh), nhận định: “Gián đoạn kinh doanh và tình trạng đóng cửa có thể đặc biệt gây tổn hại cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ảnh hưởng có thể kéo dài tới tận quý ba năm nay. Toàn bộ quy trình sản xuất ở hầu hết ngành ở Trung Quốc sẽ bị trì hoãn do đợt bùng phát virus”. Tình trạng đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các tập đoàn quốc tế, kể cả với các tập đoàn lớn như Apple. Nhiều doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Ngành du lịch châu Á đang bị tác động nặng nề, đặc biệt là ở các nước láng giềng đã áp đặt lệnh cấm với du khách Trung Quốc. Ví dụ như với Thái Lan, nước đang đắn đo giữa đáp ứng yêu cầu đóng cửa biên giới với Trung Quốc và nhu cầu của ngành du lịch vốn phụ thuộc nặng vào Trung Quốc, thiệt hại có thể là 1,5 tỷ USD.
Các nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng tình hình kinh tế phụ thuộc vào việc Trung Quốc kiềm chế dịch hiệu quả tới đâu và quá trình trở lại làm việc của lao động nhập cư sau kỳ nghỉ có suôn sẻ không. Tuy nhiên, phần lớn dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý đầu năm sẽ giảm mạnh rồi mới tăng trở lại vào cuối năm với mức không thấp hơn nhiều quá so với mức 6% năm 2019.