Cộng đồng quốc tế viện trợ cho Libăng sau vụ nổ kinh hoàng
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ nổ - Nguồn: AFP/TTXVN
Ngày 6/8, Liên minh châu Âu (EU) thông báo hỗ trợ khẩn cấp ban đầu 33 triệu euro cho Libăng và huy động các nguồn lực vật chất, bao gồm một tàu bệnh viện của Ý, trong nỗ lực giúp đỡ hoạt động cứu trợ ở thủ đô Beirut bị tàn phá sau vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, một nguồn tin EU cho biết một hội nghị của các nhà tài trợ đã được lên kế hoạch để huy động thêm nguồn cứu trợ cho công tác tái thiết Libăng sau khi đánh giá những gì cần thiết.
Ủy ban châu Âu nhận định việc hỗ trợ 33 triệu euro cho Libăng có thể giúp đáp ứng các nhu cầu trước mắt cho các dịch vụ cấp cứu và bệnh viện ở thủ đô Beirut.
Trong một bức thư gửi 27 quốc gia thành viên EU được công bố tối 6/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi các quốc gia thành viên đóng góp vào kế hoạch tái thiết Libăng trong tương lai.
Các nước châu Âu đã huy động nhanh chóng các lực lượng cứu hộ, trong đó Hải quân Ý đã triển khai một tàu mang các thiết bị y tế và có khả năng sơ tán y tế bằng trực thăng đến Libăng. Ý cũng đã huy động 250 lính cứu hỏa hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn ở Beirut.
Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio đã cam kết tham gia "ứng phó quốc tế" để hỗ trợ Libăng sau vụ nổ khiến ít nhất 149 thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Ông cũng hoan nghênh tinh thần của Pháp đi đầu trong công tác hỗ trợ Libăng khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tổ chức một hội nghị cứu trợ toàn cầu trong vài ngày tới.
Nhà lãnh đạo Pháp đưa ra tuyên bố trên khi kết thúc chuyến thăm chớp nhoáng đến Beirut trong ngày 6/8. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Beirut sau vụ nổ.
Trước đó, Tổng thống Macron đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với vụ nổ tại thủ đô Beirut của Libăng khiến 149 người thiệt mạng, phá hủy nhiều khu dân cư, khiến quốc gia này chịu thiệt hại nặng nề.
Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm tới Libăng, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra quốc tế, cởi mở và minh bạch. Bên cạnh đó, ông cũng hưởng ứng các lời kêu gọi từ trong và ngoài Libăng, khi cho rằng cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
Ông Macron cho biết tàu sân bay Pháp đang trên đường tới Beirut, mang theo các nhóm cứu hộ và điều tra để hỗ trợ công tác tìm kiếm và điều tra.
Cùng ngày, giới chức thành phố cảng Beira, Mozambique đã bác bỏ việc liên quan đến con tàu chở số muối amoni nitrat - nguyên nhân chính gây ra vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, Libăng.
Cũng trong ngày 6/8, quân đội Mỹ đã vận chuyển đợt hàng cứu trợ đầu tiên bao gồm lương thực-thực phẩm, nước sạch và thiết bị y tế đến Libăng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân quốc gia Trung Đông này.
Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ cho biết một máy bay quân sự C-17 của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar mang theo hàng viện trợ sẽ đến Libăng trong vòng 24 giờ tới. Các chuyến hàng viện trợ tiếp theo sẽ được phối hợp với quân đội Libăng, Đại sứ quán Mỹ tại Libăng, cơ quan cứu trợ quốc tế Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Hãng tin APS ngày 6/8 đưa tin Algeria cũng gửi hàng viện trợ và cử nhân viên cứu hộ đến Libăng để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả vụ nổ ở Beirut. Chủ tịch Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Algeria Saida Benhabiles, đơn vị phụ trách hoạt động cứu trợ Libăng, cho biết hàng cứu trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế, lều trại và chăn màn, được vận chuyển bằng 4 máy bay quân sự từ đêm 6/8. Ngoài ra, một tàu chở vật liệu xây dựng của Algeria cũng sẽ sớm tới Libăng.
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã gửi điện chia buồn đến người đồng cấp Libăng Michel Aoun về vụ việc.
Trong khi đó, phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq ngày 6/8 cho biết Liên hợp quốc tiếp tục viện trợ cho Chính phủ Libăng bằng cách giải ngân quỹ khẩn cấp, đánh giá nhu cầu và lên kế hoạch vận chuyển hàng viện trợ.
Theo ông Haq, Liên Hợp Quốc đã chi 9 triệu USD trong quỹ cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các bệnh viện tại Libăng. Dự kiến, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc sẽ sớm công bố số tiền viện trợ bổ sung.
OCHA cũng sẽ cử các nhóm ứng phó khẩn cấp bao gồm các chuyên gia thuộc Nhóm Cố vấn Tìm kiếm và Cứu hộ quốc tế (ISRAG) cùng Nhóm Điều phối và Đánh giá thảm họa (DAC) của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ Libăng.
Theo ông Haq, do cảng Beirut không thể hoạt động, Liên Hợp Quốc và các đối tác đang tìm cách để đảm bảo các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ được duy trì. Hàng viện trợ nhân đạo có thể được vận chuyển đến cảng Tripoli, cách Beirut hơn 80km về phía Bắc.
Ngoài ra, sân bay quốc tế Beirut vẫn mở cửa phục vụ hành khách và chuyến bay chở hàng.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)