Cộng đồng thế giới thận trọng, thất vọng trước nội các của Taliban
Taliban bị cho là không giữ được cam kết xây dựng một chính phủ 'bao trùm' khi nội các được công bố không có quan chức thuộc chính quyền cũ và thiếu sự hiện diện của phụ nữ.
Cộng đồng quốc tế tỏ ra thất vọng nhưng thận trọng sau khi Taliban công bố các vị trí lãnh đạo cấp bộ mới cho Afghanistan, hãng tin Reuters cho hay.
Sau khi nội các được công bố vào tối 7-9, quyền Thủ tướng trong chính phủ mới, ông Mohammad Hasan Akhund đã kêu gọi các quan chức thuộc chính quyền Kabul (đã sụp đổ) trốn chạy khỏi Afghanistan trở về nước, đồng thời tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn cho các quan chức của chính quyền cũ.
“Chúng ta đã chịu tổn thất nặng nề cho thời khắc lịch sử này và kỷ nguyên đổ máu ở Afghanistan đã kết thúc” - ông Akhund nói.
Tại Kabul, nhiều phụ nữ đã xuống đường biểu tình đòi hỏi nữ giới phải được tham gia vào chính quyền mới và kêu gọi Taliban đảm bảo quyền lợi cho nữ giới. Những người biểu tình gọi nội các Taliban là “một sự thất bại” vì không có quan chức nào là nữ giới.
Cộng đồng thế giới phản ứng việc Taliban thành lập nội các một cách thận trọng và thất vọng. Ngày 8-9, Mỹ nhấn mạnh rằng chính phủ do Taliban lập ra chỉ là “nội các lâm thời”.
“Không ai trong chính quyền (Mỹ), dù là Tổng thống hay bất kỳ ai khác trong đội ngũ an ninh quốc gia, cho rằng Taliban là những thành viên được tôn trọng và được coi trọng trong cộng đồng quốc tế” - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Phát biểu khi đang tới thăm Đức, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ ra rằng Taliban đã không tuân thủ cam kết về một chính phủ “bao trùm” khi nội các được công bố chỉ bao gồm các thành viên Taliban hoặc những đồng minh thân cận của lực lượng này và không có sự tham gia của phụ nữ hay các lãnh đạo chính quyền cũ. Ông Blinken nhấn mạnh rằng thế giới sẽ dõi theo và đánh giá qua từng động thái của Taliban và rằng chính phủ Taliban phải hành động để “giành lấy” sự công nhận của cộng đồng quốc tế.
Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích việc Taliban không tuân thủ cam kết, song tuyên bố sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Trong dài hạn, việc cứu trợ của EU sẽ phụ thuộc vào đánh giá của châu Âu về mức độ Taliban đảm bảo các quyền cơ bản của người dân Afghanistan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng thành phần nội các mới và cuộc biểu tình của nữ giới ở Kabul “không phải là dấu hiệu cho thấy sự lạc quan”.
Saudi Arabia bày tỏ hy vọng chính phủ mới sẽ giúp Afghanistan đảm bảo “an ninh và ổn định”, “nói không với bạo lực và chủ nghĩa cực đoan”.
Còn Pakistan - nước láng giềng được coi là đồng minh của Taliban - nhấn mạnh rằng không thể để tồn tại khoảng trống quyền lực ở Afghanistan sau khi chính quyền được Liên Hợp Quốc công nhận sụp đổ.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho rằng “chỉ có thể tạo ra một Afghanistan hòa bình và ổn định thông qua nhiều hơn, không phải là ít hơn, sự tham gia của khu vực và quốc tế”.