Cộng đồng trách nhiệm

Nhiều năm qua, cải cách hành chính luôn là lĩnh vực được thành phố Hà Nội chọn làm một trong những khâu đột phá và đạt được những hiệu quả rõ rệt, thực chất. Kết quả nổi bật là 1.448/1.818 thủ tục hành chính đã được thành phố Hà Nội triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Hà Nội cũng triển khai phần mềm dùng chung ba cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn… Nhờ đó, trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), Hà Nội đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả trên đã mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, kết quả cải cách hành chính thời gian qua vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Điều này phản ánh qua nhiều chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) vẫn ở mức thấp. Cụ thể là sự minh bạch về chính sách, trách nhiệm giải trình với người dân… chưa được thực hiện tốt, nhất là ở cấp cơ sở, tạo kẽ hở cho thói tham nhũng vặt tồn tại.

Tập trung khắc phục những tồn tại kể trên gắn với triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, trong thời gian tới, UBND thành phố, các sở, ngành và địa phương tiếp tục tập trung rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đặc biệt, thành phố sẽ đánh giá tổng thể, loại bỏ các chi phí không chính thức; kịp thời công bố, công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, thực hiện và giám sát.

Trong đó, thành phố ưu tiên cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực "nóng" như: Cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ hành chính cấp xã… Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong cung cấp dịch vụ công, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là ở cấp xã, phường. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi nhiệm vụ, giao tiếp với công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật hành chính và chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc này. Bởi thực tế, nơi nào người đứng đầu sát sao với công việc thì kỷ luật, kỷ cương hành chính ở nơi đó được thực hiện tốt.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hằng ngày trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp cần thường xuyên tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa ứng xử…, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ cải cách hành chính.

Về phía người dân, doanh nghiệp cũng cần tích cực hưởng ứng những cải cách của thành phố, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, không tiếp tay cho tiêu cực.

Xây dựng nền hành chính phục vụ là quá trình liên tục và thực tế còn nhiều dư địa để các cấp, ngành, địa phương của thành phố triển khai hiệu quả hơn nữa. Sự cộng đồng trách nhiệm của toàn dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp, ngành thành phố sẽ góp phần đưa công cuộc cải cách hành chính sớm đạt mục tiêu.

Thế Đan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/982662/cong-dong-trach-nhiem