Công hàm của Trung Quốc tại LHQ không đúng luật quốc tế
Công hàm của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn trái với Công ước LHQ về Luật Biển (UNLCOS) năm 1982.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/4 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm về công hàm ngày 17/4 của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc (LHQ) và các phát biểu mới của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong các buổi họp báo ngày 20/4 và 21/4.
Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế, cùng các yêu sách ở Biển Đông trái với các quy định của UNCLOS 1982, ngày 30/3, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này.
“Mỹ mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo
“Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc”, Phó Phát ngôn cho biết.
Ngày 10/4, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Phó Phát ngôn nhấn mạnh, là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982, mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS 1982, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.
Liên quan đến việc Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 cấu trúc ở Biển Đông, ông Thắng nêu rõ: “Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Nhiều tiếng nói lên án
Tại hội nghị trực tuyến đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ về COVID-19 diễn ra ngày 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, khi thế giới đang ứng phó với đại dịch, những mối đe dọa lâu dài đối với an ninh chung của chúng ta chưa hề biến mất. Thực tế, những mối đe dọa đó trở nên rõ ràng hơn.
Ông Pompeo nói rằng Bắc Kinh đã có những hành động tranh thủ thời điểm các nước đang mất tập trung, từ việc đơn phương thông báo lập các đơn vị hành chính tại các đảo và khu vực hàng hải có tranh chấp, đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào đầu tháng này, đến việc đưa vào hoạt động các “trạm nghiên cứu” trên Đá Chữ Thập và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tiếp tục điều động lực lượng dân quân biển tới khu vực quần đảo Trường Sa, và mới đây nhất, Bắc Kinh đã điều một đội tàu gồm tàu khảo sát năng lượng đến Biển Đông với mục đích duy nhất là đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác trong việc tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, các bên tham gia hội nghị nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước đang tập trung nỗ lực và nguồn lực vào cuộc chiến chống dịch bệnh, cần duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và thượng tôn pháp luật ở khu vực. Các bộ trưởng cho rằng hơn lúc nào hết cần tăng cường lòng tin và minh bạch, tránh mọi hoạt động làm phức tạp thêm tình hình.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm qua cũng lên tiếng chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm gây rối hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác, tuyên bố thành lập “quận hành chính” mới trên các cấu trúc tranh chấp, đánh chìm một tàu cá Việt Nam.
“Điều quan trọng vào thời điểm này là tất cả các bên phải kiềm chế không thực hiện những hành động gây bất ổn và giảm căng thẳng, để cộng đồng quốc tế có thể dành toàn tâm toàn ý phối hợp đối phó với đại dịch COVID-19”, báo Sydney Morning Herald dẫn lời bà Payne.