Cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1941-1945) - kỳ 1
Trong di sản tư tưởng và sự nghiệp mà đồng chí Trường Chinh để lại cho Đảng ta và dân tộc Việt Nam, lịch sử mãi khắc ghi vai trò đặc biệt quan trọng của đồng chí trong cao trào cứu nước giải phóng dân tộc (1941-1945), trực tiếp dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất
Đồng chí Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc ta. Trong di sản tư tưởng và sự nghiệp mà đồng chí Trường Chinh để lại cho Đảng ta và dân tộc Việt Nam, lịch sử mãi khắc ghi vai trò đặc biệt quan trọng của đồng chí trong cao trào cứu nước giải phóng dân tộc (1941-1945), trực tiếp dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam.
Tổ chức đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp cùng Ban Chấp hành Trung ương chuyển hướng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc
Cuối năm 1940, Chiến tranh thế giới thứ hai tiếp tục lan rộng. Nhận định tình hình thế giới và trong nước sẽ có biến chuyển mau lẹ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - khi đó đang hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) đã quyết định tìm đường về nước. Người nhận định: Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để nắm chắc thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.
Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940, nhận được tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về gần biên giới Việt - Trung, trên cương vị Quyền Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Đặng Xuân Khu cử đồng chí Hoàng Văn Thụ qua biên giới tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo về ngả đường trở về nước cũng như nhiều vấn đề cụ thể về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam.
Tháng 1-1941, vài ngày sau Tết dương lịch năm 1941, tại Làng Xuân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại cuộc gặp, đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo với Người về tình hình trong nước, những công việc mà đồng chí Quyền Tổng Bí thư Đặng Xuân Khu cùng Trung ương Đảng đang rốt ráo bí mật chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 28-1-1941, đúng sớm mồng hai Tết, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về Tổ quốc, Người chọn Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) làm nơi ở và làm việc, về nước, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng tại Cao Bằng, trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc; đồng thời chuẩn bị mọi mặt mở Hội nghị Trung ương bàn về chủ trương cứu nước, giải phóng dân tộc.
Thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương được triệu tập tại Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng), từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Quyền Tổng Bí thư Đặng Xuân Khu cùng các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên và một số đại biểu của Xứ ủy Trung Kỳ, Bắc Kỳ tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, phân tích tình hình thế giới, đồng chí Đặng Xuân Khu và Trung ương Đảng nhận định: "Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công".
Trên cơ sở nhận định đúng đắn tình hình, đồng chí Quyền Tổng Bí thư cùng Trung ương Đảng đã phát triển những chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940 về giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ. Hội nghị xác định: "Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật". Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đồng chí Quyền Tổng Bí thư cùng Trung ương Đảng nhấn mạnh: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc".
Dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, căn cứ vào đặc điểm xứ Đông Dương, đồng chí Quyền Tổng Bí thư và Đảng ta chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương; nhấn mạnh sự đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương trong một chiến lược chống kẻ thù chung là "Phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng". Trong điều kiện lúc này, Trung ương Đảng ta đã quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng nhằm tổ chức và động viên tinh thần dân tộc của nhân dân mỗi nước. Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, "ta phải thi hành đúng chính sách "dân tộc tự quyết" cho dân tộc Đông Dương".
(còn nữa)