Công khai hoạt động NCKH nhầm lẫn, Trường ĐH Thành Đông thừa nhận có sai sót
Trong báo cáo về hoạt động NCKH của Trường ĐH Thành Đông có sự trùng lặp thông tin, số liệu trong một số năm học. Nhiều năm nguồn thu từ hoạt động này bằng '0'.
Nhầm lẫn giữa nguồn thu nghiên cứu khoa học và nguồn kinh phí dự toán được ngân sách cấp
Theo tìm hiểu của phóng viên trong báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Thành Đông năm học 2019 - 2020, phần báo cáo thông tin về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn của trường đại học này thiếu thông tin dự án thực hiện.
Trong báo cáo của năm học này có 5 mục thuộc về "Tên dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ" nhưng có 4 mục được ghi tên là "Đề án mở ngành...". Tại cột "thời gian thực hiện" của 4 mục nói trên được ghi "Đang trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt", không có thời gian thực hiện cụ thể theo quy định.
Tại báo cáo này có mục thứ 5 được ghi "Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, trường", tại cột người thực hiện của mục này ghi "Giảng viên và sinh viên, học viên nhà trường", cũng không có thời gian thực hiện cụ thể theo quy định.
Trong năm học 2019 - 2020 cho thấy các đề tài nghiên cứu khoa học được "gộp" lại tại mục số 5. Ảnh chụp màn hình
Thông tin về nội dung này, tại văn bản số 99/ĐHTĐ-QLĐT của Trường Đại học Thành Đông gửi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản hồi làm rõ một số vấn đề trong báo cáo 3 công khai, trường đại học này thừa nhận có một số nhầm lẫn.
Trường Đại học Thành Đông cho biết: "Về nội dung báo cáo khoa học công nghệ đang bị "gộp" chung vào một mục nhà trường xin chỉnh sửa lại theo đúng Biểu mẫu 18 của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về thực hiện quy chế thực hiện công khai cơ sở giáo dục".
Đáng chú ý, dù trong năm học này báo cáo về việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học đang được "gộp" lại như vậy, tuy nhiên tại báo cáo tài chính của năm học này cho thấy số liệu nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường trong năm 2019 là 2,230 tỷ đồng.
Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm học 2019 - 2020 là hơn 2 tỷ đồng được nhà trường giải thích là do nhầm lẫn về nguồn số liệu. Ảnh chụp màn hình
Trước các thông tin như vậy, phóng viên đã đặt câu hỏi về căn cứ để nhà trường có thể tổng hợp được nguồn thu như vậy. Trong văn bản trả lời, Trường Đại học Thành Đông nêu: "Về kinh phí nguồn thu nghiên cứu khoa học có mức trên 2 tỷ theo báo cáo tài chính là nguồn kinh phí dự toán cấp từ ngân sách nhà nước đối với đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của Khoa Y dược.
Tuy nhiên trong quá trình thể hiện văn bản đã có sự nhầm lẫn giữa nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và nguồn kinh phí được cấp.
Nhà trường sẽ chỉnh sửa lại nội dung này và công khai chính thức trên trang thông tin điện tử".
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 17/3, nội dung này vẫn chưa được Trường Đại học Thành Đông cập nhập.
Nhiều năm nguồn thu từ nghiên cứu khoa học đều ở mức bằng "0"
Tìm hiểu tiếp về các thông tin về thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, tại báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Thành Đông năm học 2020 - 2021 cho thấy trường đại học này thực hiện 3 dự án nghiên cứu khoa học.
Trong đó, có đề tài cấp tỉnh với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Hai dự án còn lại được nhấn mạnh là "không sử dụng ngân sách nhà nước" với mức kinh phí thực hiện đều ở mức 150 triệu đồng.
Trong báo cáo tài chính năm học 2020 - 2021 của Trường Đại học Thành Đông, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học hiện đang để ở mức bằng "0".
Trong nhiều năm báo cáo nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thành Đông ở mức bằng "0". Nhà trường cho biết nguyên nhân là do kết quả các hoạt động này chưa tạo ra sản phẩm thương mại. Ảnh chụp báo cáo vào tháng 6 năm 2023.
Trong báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Thành Đông năm học 2021 - 2022 trường đại học này thực hiện 37 dự án nghiên cứu khoa học.
Trong đó, có một dự án với mức kinh phí cao nhất lên tới 440 triệu đồng, được thực hiện trong năm 2022 và hai dự án khác có cùng mức kinh phí là 150 triệu đồng. Các dự án còn lại nằm ở mức kinh phí thực hiện từ 10 đến 15 triệu đồng/ dự án.
Đáng chú ý, phóng viên ghi nhận số liệu về báo cáo thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học trong năm học 2023 - 2024 được trường đại học này đăng tải lại đang có sự trùng lặp về thông tin, số liệu với năm học 2021 - 2022.
Về việc này, phóng viên đã đặt câu hỏi, điều này liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên về số liệu thực tế của nhà trường trong các năm học nói trên hay không?.
Trong văn bản phản hồi, Trường Đại học Thành Đông thừa nhận có sự việc như vậy và nêu nguyên nhân là do lỗi cập nhập nên hệ thống đã cập nhập báo cáo thực hiện dự án nghiên cứu khoa học của năm học 2023 - 2024 trùng với năm học 2021 - 2022.
"Về nội dung trên, nhà trường sẽ chỉ đạo rà soát và chỉnh sửa lại nội dung cho đúng", văn bản này nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 17/3, báo cáo về hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Thành Đông vẫn chưa được sửa đổi.
Liên quan đến nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, tại báo cáo tài chính các năm học 2020 - 2021; 2021 - 2022; 2022 - 2023; 2023 - 2024 của Trường Đại học Thành Đông cho thấy, nguồn thu từ hoạt động này đều đang để ở mức bằng "0".
Về vấn đề này, văn bản của Trường Đại học Thành Đông lý giải: "Nhà trường chưa có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học do kết quả nghiên cứu của tất cả các hoạt động khoa học công nghệ hiện tại không tạo ra sản phẩm thương mại hóa".
Nhiều ngành khó tuyển nguy cơ phải tạm dừng
Theo tìm hiểu của phóng viên tại đề án tuyển sinh các năm gần đây của Trường Đại học Thành Đông có thể thấy, một số ngành học đang có sự suy giảm về số lượng thí sinh trúng tuyển.
Cụ thể, trong năm 2021 ghi nhận một số ngành có lượng trúng tuyển thấp như: Ngành Quản lý nhà nước có số lượng trúng tuyển là 3/60 chỉ tiêu, năm 2020 trước đó, ngành học này có 69 thí sinh trúng tuyển/50 chỉ tiêu. Còn trong năm 2019 ngành học này có 38 thí sinh trúng tuyển/ 50 chỉ tiêu.
Ngoài ra, ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng trong năm 2021 chỉ có 15/60 chỉ tiêu trong khi vào năm 2020 và 2019 trước đó ngành học này đều có 25 thí sinh trúng tuyển/ 50 chỉ tiêu.
Không những thế, với ngành Quản lý đất đai trong năm 2021 chỉ có 16 thí sinh trúng tuyển/100 chỉ tiêu, trong khi năm 2020 trước đó ngành học này có 139 thí sinh trúng tuyển/150 chỉ tiêu. Còn trong năm 2019 ngành này có 58 thí sinh trúng tuyển/150 chỉ tiêu.v.v.
Trường Đại học Thành Đông thừa nhận có việc một số ngành học có xu hướng suy giảm số lượng thí sinh trúng tuyển. Trong các năm gần đây số lượng trúng tuyển của trường đại học này cũng đang thấp hơn tổng chỉ tiêu được công bố. Ảnh chụp màn hình đề án tuyển sinh năm 2022
Lý giải về thực trạng của một số ngành có sự suy giảm như vậy, Trường Đại học Thành Đông nêu một số nguyên nhân: "Trong những năm gần đây, có thể thấy nhiều ngành của trường vẫn giữ được mức tuyển sinh cao thì vẫn còn một số ngành có lượng trúng tuyển sụt giảm. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chẳng hạn như ngành như ngành Quản lý nhà nước là một ngành mới có tên gọi không "hấp dẫn", nhiều thí sinh còn chưa hiểu nội hàm quản lý nhà nước là gì nên ít quan tâm.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân về vị trí địa lý khi Hải Dương khá gần Hà Nội, thí sinh đa phần chọn lựa học ở các trường đại học tại Hà Nội hơn tại Hải Dương. Đồng thời, ở Hải Dương có 4 trường đại học và 1 phân hiệu khiến số lượng sinh viên cũng bị chia sẻ giữa các trường.
Ngoài ra, Trường Đại học Thành Đông là một trường tư thục, ít nhiều trong suy nghĩ của người học vẫn nghĩ học đại học tư thục sẽ không tốt bằng đại học công lập nên không muốn đăng ký vào học tại trường".
Qua đó, Trường Đại học Thành Đông cũng nhận định, nếu suy giảm về lượng sinh viên trúng tuyển sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống giảng viên và sự phát triển bền vững của nhà trường.
"Để đảm bảo công việc, chế độ chính sách của giảng viên trước thực trạng như vậy, bước đầu nhà trường có áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, hướng nghiệp để giải thích cho người học hiểu nội hàm từng ngành học, vị trí việc làm khi ra trường.
Thứ hai, xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, từng bước hiện đại theo hướng "công viên đại học" để thu hút sinh viên.
Thứ ba, cấp học bổng và ký túc xá miễn phí, khu thể thao, khu sân bóng đá cho sinh viên. Tổ chức giảng dạy theo chuyên đề, sinh viên thảo luận là chính, giảng viên chỉ có vai trò hướng dẫn cho các lớp có quá ít sinh viên.
Thứ tư, điều chuyển giờ giảng của giảng viên các ngành không tuyển được sinh viên sang giảng dạy các học phần chung của những ngành gần (ví dụ: giảng viên ngành Quản lý nhà nước có thể điều chuyển sang dạy ngành Luật).
Nhờ vậy, đến nay mọi chế độ chính sách đối với giảng viên các ngành không tuyển được sinh viên được đảm bảo, có ảnh hưởng nhưng không đáng kể.
Về lâu dài, nếu những ngành không tuyển được sinh viên nhà trường có thể sẽ buộc phải tạm thời không tuyển sinh với những ngành khó tuyển", Trường Đại học Thành Đông nhấn mạnh.