Công khai, minh bạch dữ liệu quan trắc môi trường
Ngành Tài nguyên và Môi trường Bình Dương sẽ đẩy mạnh xây dựng các ứng dụng kết nối với các phần mềm hiện hữu nhằm đồng bộ cơ sở dữ liệu về môi trường nói chung và các dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động. Đặc biệt, chia sẻ các số liệu quan trắc từ hệ thống quan trắc nước thải, khí thải và các thành phần môi trường tự động lên Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh; chia sẻ đến cộng đồng dân cư qua App ứng dụng trên điện thoại di động, các bảng hiển thị điện tử nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và giám sát của người dân.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Ngô Quang Sự trong trả lời chất vấn về hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc nước thải tự động trên địa bàn. Cùng với đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế tại một số cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khắc phục - 2 nội dung nổi cộm trong 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đã được giải trình rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X.
Bảo đảm hiệu quả hoạt động hệ thống quan trắc nước thải tự động
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thái Minh Quang (Tổ đại biểu TP. Thủ Dầu Một) về hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc nước thải tự động trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Quang Sự cho biết: để kiểm soát việc xả thải của doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động từ năm 2011 cho 6 khu công nghiệp. Đến nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nguồn thải có lưu lượng nước thải trên 500m3/ngày/đêm đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, với tổng số 109 nguồn thải, kiểm soát liên tục 24/24 việc vận hành hệ thống xử lý và chất lượng nước thải của các nguồn thải với lưu lượng khoảng 280.000 m3/ngày/đêm nước thải công nghiệp, 70.000 m3/ngày/đêm nước thải đô thị, chiếm 85% lượng nước thải công nghiệp và 36% nước thải đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động cho 38 nguồn thải.
Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Kết quả quan trắc cho thấy, số nguồn thải thường xuyên xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường năm 2015 khoảng 70%, hiện nay đạt trên 96%. Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ lắp đặt thêm các trạm quan trắc thành phần môi trường tự động về không khí, nước dưới đất, nước mặt.
Khẳng định việc tăng cường năng lực quan trắc sẽ bảo đảm quan trắc đầy đủ các thành phần môi trường và dự báo được chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tư lệnh Ngành Tài Nguyên và Môi trường cho biết: ngành sẽ đẩy mạnh xây dựng các ứng dụng để kết nối với các phần mềm hiện hữu nhằm đồng bộ cơ sở dữ liệu về môi trường nói chung và các dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động nói riêng, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm dữ liệu được liên thông và đầy đủ. Đặc biệt, chia sẻ các số liệu quan trắc từ hệ thống quan trắc nước thải, khí thải và các thành phần môi trường tự động lên Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh; chia sẻ đến cộng đồng dân cư qua App ứng dụng trên điện thoại di động, các bảng hiển thị điện tử nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và giám sát của người dân.
Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Ngọc Huy (Tổ đại biểu TP. Tân Uyên) về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế tại một số cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khắc phục, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương thừa nhận thời gian qua đã xảy ra trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Sau khi giải trình kỹ thực trạng và nguyên nhân, chủ yếu do những khó khăn, vướng mắc khách quan, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã hướng dẫn lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức tập huấn công tác mua sắm đấu thầu cho các nhân viên làm công tác mua sắm của các đơn vị. Kết quả, tình trạng thiếu một vài thuốc genigic (thuốc Tây) cục bộ có thể xảy ra do các đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu, hoặc nhà thầu không cung cấp đủ thuốc. Việc này thường xảy ra nhiều vào cuối của kỳ thầu. Do vậy trong thời gian sau Tết Nguyên đán có thể thiếu cục bộ một số thuốc. Sở Y tế sẽ điều tiết thuốc giữa các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, xin điều tiết thuốc từ các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc thông qua Trung tâm mua sắm thuốc Quốc gia. Chỉ đạo các cơ sở tự tổ chức đấu thầu mua sắm các thuốc bị thiếu trong giai đoạn Sở Y tế chuẩn bị đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Ngoài ra, Sở Y tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc generic năm 2024 - 2026, để đến tháng 4.2024 triển khai đấu thầu mua sắm thuốc. Về thuốc y học cổ truyền, gói thuốc thành phẩm đang tiến hành chấm thầu, dự kiến cuối tháng 12.2023 sẽ có kết quả thầu. Về vật tư sinh phẩm, sau khi có Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30.6/2023 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp tài chính, giao giám đốc các đơn vị chủ động trong công tác mua sắm. Đến quý III.2023, về cơ bản các đơn vị y tế đã xây dựng được gói thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đang giai đoạn mời thầu.
Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tích cực tập trung xây dựng gói thầu vật tư y tế thông thường năm 2023 - 2024. Hiện tại, gói thầu mua hóa chất xét nghiệm tổng giá trị 56 tỷ sắp xong, dự kiến đầu tháng 12.2023 sẽ có hóa chất và mua sắm vật tư y tế với tổng giá trị trên 40 tỷ đồng sẽ mời thầu trong quý IV.2023 - Tư lệnh Ngành Y tế khẳng định.