Công khai, minh bạch trong chỉ định thầu

Chiều 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Áp dụng cơ chế đặc thù

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho rằng, cần đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tuy nhiên, theo ông Định, công tác giải phóng mặt bằng luôn là nguyên nhân chính dẫn đến sự kéo dài của dự án. “Đây là tuyến đường chiến lược vì vậy Quốc hội cần áp dụng cơ chế đặc thù phát triển phục hồi kinh tế, bởi tuyến đường làm nhanh chính là phục hồi kinh tế nhanh như: chỉ định thầu, thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công. Như vậy mới sớm hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo quy hoạch. Giải phóng mặt bằng đến đâu, làm đến đó. Như thế mơi bảo đảm tiến độ” - ông Định bày tỏ.

Nhấn mạnh đây là dự án lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành cho nên theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi), cần có giải pháp chủ động, phù hợp trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Đặc biệt trong huy động vốn, Chính phủ cần làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3, điều 18 Luật Đầu tư công.

“Tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có dự án này. Trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây “hiệu ứng lấn át” khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế. Cho nên Chính phủ cần rà soát kỹ, hoàn tất các thủ tục về cấp phép, khai thác mỏ mới, gia hạn, nâng công suất với các mỏ, quản lý giá vật liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường, đời sống dân sinh trong quá trình khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng”- theo bà Lan.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, tuyến đường hoàn thành sẽ là trục huyết mạch từ Bắc vào Nam, kết nối được sự lưu chuyển hàng hóa và khai thác được nguồn lực giao thông nên phải ưu tiên đầu tư sớm nhất. Tuy nhiên, ông Cường đề nghị cân nhắc, tính toán một số điểm. Theo đó, trước hết là về tổng mức đầu tư. “Dự kiến là 147.000 tỷ đồng, như vậy suất đầu tư tính ra là 201 tỷ đồng/km, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các tuyến cao tốc đã hoàn thành như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, suất đầu tư chỉ có 107,5 tỷ đồng; Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây là 125 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra rằng nếu tính toán lại thì chỉ khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải cân nhắc lại, nhất là trong đề án phục hồi kinh tế chúng ta có đề nghị chỉ định thầu cho các dự án này. Trong khi cơ chế đấu thầu hiện còn bất cập, chỉ định thầu là cần thiết nhưng nếu chỉ giảm 5% so với dự toán thì không ý nghĩa. Do đó phải thiết kế lại và phải thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án, đặc biệt là khi thực hiện chỉ định thầu”-ông Cường phân tích.

Đấu thầu thu phí

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, trong tổ chức thực hiện giao cho Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư song cũng cần giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án về giải phóng mặt bằng. Phải có phương án thu phí, đấu thầu thu phí và chuyển quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Nhà nước phải thu hồi phí đường bộ để thu lại kinh phí đã bỏ ra, tiếp tục dùng kinh phí đó để đầu tư cho tuyến cao tốc khác để hoàn chỉnh đầu tư 5.000km cao tốc.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng cho rằng, cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí, chuyển nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh mất mát tài sản của Nhà nước, cũng như khả năng đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong 1 kỳ trung hạn, đặc biệt là liên quan đến cân đối vốn.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, toàn bộ dự án là 5.481ha, số hộ bị ảnh hưởng vùng dự án là 14.893, số hộ tái định cư là 11.905 hộ, ảnh hưởng lớn tới tiến độ giải ngân và hoàn thành tiến độ dự án. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo địa phương tập trung đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, hạn chế mức thấp nhất việc khiếu kiện của người dân kéo dài, gây khó khăn cho toàn bộ dự án. Bên cạnh đó, cần có khu tái định cư trước để cho người dân di dời đến nơi ổn định vì 11.905 hộ dân không phải là ít.

Ông Hòa nhìn nhận, việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án sau khi hoàn thành nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho nhà nước là ý tưởng có thể làm được. Dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế song Quốc hội nên đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện. Qua đó các bộ, ngành còn chuẩn bị hồ sơ thủ tục cần thiết để triển khai ngay. Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị tại các dự án này chủ đầu tư chuyển nhượng phải thực hiện thu phí không dừng.

“Hiện Bộ Giao thông vận tải đã triển khai thu phí không dừng nhưng triển khai chưa được nhiều. Nhiều lái xe qua trạm không có tiền nộp trong tài khoản ngân hàng nên gây khó khăn trong thực hiện. Nếu nhượng quyền dự án sau này cho chủ đầu tư mà không có giải pháp căn cơ từ lúc đầu thì sẽ khó cho sau này, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như xe cộ qua lại trên tuyến đường này”- ông Hòa phân tích.H.Vũ

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, Nhà nước đã dùng ngân sách để đầu tư và Chính phủ đã đưa ra giải pháp thu hồi vốn bằng cách sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư nên phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, cần đảm bảo minh bạch trong tổ chức thực hiện vấn đề này để không thất thoát nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-khai-minh-bach-trong-chi-dinh-thau-5677705.html