Công khai ngân sách của bộ, ngành: Vướng nhất là rào cản nhận thức
Trong số 37 Bộ, cơ quan Trung ương được khảo sát về chỉ số công khai ngân sách (MOBI) năm 2018, có 20 đơn vị không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách, theo kết quả khảo sát vừa được Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) công bố ngày 30/7. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát về mức độ công khai ngân sách của các bộ, ngành được thực hiện.
Có vỏ nhưng... rỗng ruột
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, theo quy định, 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước 2015 là Dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý I/2018, 6 tháng đầu năm, 9 tháng năm 2018, cả năm 2018 và Quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ công khai các tài liệu trên dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện. Kết quả này đã được gửi lại các bộ, cơ quan để tham vấn.
Kết quả cho thấy, không có đơn vị nào đạt mức độ "công khai đầy đủ", "tương đối đầy đủ" và "chưa đầy đủ" trong khảo sát MOBI 2018. Về tính sẵn có, trong số 37 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2018, chỉ có 12 cơ quan, tổ chức có công khai ít nhất 1 trong 6 tài liệu ngân sách bắt buộc (chiếm 32,43%).
Có 25 bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (chiếm 67,57%). Trong số này, có 5 đơn vị chỉ có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử mà không có tài liệu ngân sách đính kèm, gồm Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Có 20 đơn vị thậm chí không có thư mục công khai ngân sách và không công khai tài liệu ngân sách nào.
Về tính kịp thời, kết quả MOBI 2018 cho thấy, các bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Đơn cử, trong số 10 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2019, chỉ có duy nhất Bộ Công thương là đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2018.
Về tính đầy đủ, theo đánh giá, các bộ, cơ quan Trung ương thường thiếu nội dung về báo cáo thuyết minh tài liệu, thiếu các bảng biểu bắt buộc phải công khai theo quy định. Chỉ có Bộ Công thương là đơn vị duy nhất công khai đầy đủ thuyết minh tài liệu, quyết định công khai và bảng biểu đính kèm Dự toán thu – chi ngân sách của đơn vị năm 2019.
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, đây là vấn đề cần lưu ý. Ông giải thích, bản thân ông đã vào website của các nước và nhận thấy, hầu hết báo cáo tại các nước đều thuyết minh đầy đủ, giải thích các nội dung thu chi thay đổi do đâu. "Việt Nam thì có công khai nhưng chỉ có bảng số, không biết vì sao tăng hay giảm", ông Cường nói. Vì vậy, người dân bình thường hay kể cả chuyên gia nếu đọc những thông tin công bố của Việt Nam cũng sẽ khó hiểu được cụ thể các nội dung.
Tháo rào cản nhận thức
Chia sẻ nhận định về kết quả khảo sát, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, công khai ngân sách luôn là vấn đề khó thực hiện vì đây là đầu mối của tất cả sự tham ô, tham nhũng, lãng phí. Vì vậy theo bà An, kết quả khảo sát sẽ là cơ sở thực hiện mục tiêu quan trọng là diệt giặc nội xâm, tức phòng chống tham ô, tham nhũng lãng phí.
“Công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực, trước hết là ngân sách, sẽ là liều thuốc đặc trị cho bệnh lãng phí, tham nhũng, để xây dựng kỷ cương quản lý của đất nước”, bà An nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà An đánh giá chỉ số MOBI có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp các cơ quan đo đếm được hiệu quả thực hiện quản lý ngân sách của mình, mà còn giúp Chính phủ có giải pháp quản lý điều hành ngân sách hiệu quả hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay đất nước ta còn nhiều khó khăn, nợ công vẫn cao, trong khi nhu cầu cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng rất lớn.
Bà An cũng kỳ vọng, các khảo sát sau này sẽ giải đáp được những vấn đề khúc mắc xung quanh quản lý ngân sách hiện nay. Trước hết, đó là việc tại sao các bộ, ngành có dự toán ngân sách nhưng trong quá trình thực hiện luôn tăng vọt lên 30%, có nơi đến 40%. “Vấn đề là trình độ chuyên môn hay cái gì?”, bà An đặt câu hỏi.
Vấn đề thứ hai cần được giải đáp là tại sao các cơ quan, bộ ngành không muốn công khai mà vẫn muốn giấu. Vấn đề thứ ba, bà An đề nghị Quốc hội cần xem lại Luật Ngân sách hiện nay có gì bất cập thì rà soát để sửa luôn. Theo đó, bộ ngành nào không công khai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, trên cơ sở đánh giá đúng và phải có chế tài xử lý.
Ông Phạm Đình Cường, chuyên gia tài chính công đánh giá, kết quả khảo sát cho thấy thực trạng đáng buồn khi chỉ có 12/37 bộ ngành có thông tin công khai ngân sách. “Xét về mặt lý thuyết thì bộ là đơn vị dự toán cấp 1, tức là ông trùm sử dụng ngân sách, được Quốc hội phân bổ, giao quyết nghị làm cái gì, mà không công khai được”, ông bày tỏ lo ngại.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng lưu ý, trong 37 đơn vị được khảo sát, có 6 bộ, cơ quan trung ương sử dụng ngân sách nhiều nhất là giao thông, nông nghiệp, tài chính, y tế, giáo dục… thì chỉ có Bộ Tài chính là đưa ra thông tin. Vì vậy về số lượng là 37 cơ quan, nhưng xét về tổng số ngân sách được công khai thì còn thấp hơn rất nhiều so với gần 600.000 tỷ ngân sách hàng năm phân bổ về các cơ quan này. Ngoài ra, những đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng là Đài Truyền hình Việt Nam, hay Trung ương Đoàn là các đơn vị có điểm số cao nhất, nhưng cũng không thực hiện được trọn vẹn.
Trả lời câu hỏi tại sao điểm số chung về công khai ngân sách còn thấp, ông Cường cho biết, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về công khai ngân sách hiện nay yếu. Song ông khẳng định là không hề yếu vì một trong những nội dung tiến bộ nhất của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chính là đảm bảo công khai.
Theo đó, trước kia luật chỉ quy định công khai dự toán đã được phê duyệt và quyết toán được phê duyệt, trong khi hiện nay phải công khai đến cả dự thảo ngân sách. “Tức là cái mà người ta trình Quốc hội là định chia cho ai làm cái gì, bây giờ cũng công khai, để tất cả các tổ chức cá nhân có thể tham gia quá trình quyết định của Quốc hội, thì không còn cái gì bí mật ở đó nữa”, ông khẳng định. Ngoài ra, về mặt thể chế, dưới Luật Ngân sách còn có nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn biểu mẫu thời hạn, phương thức công khai.
Từ kinh nghiệm của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính công, ông Cường cho rằng vấn đề gây cản trở nhất đối với công khai ngân sách chính là nhận thức.
“Thực tế cho thấy trước đây, trong quá trình chúng tôi soạn thảo luật, thì quy định về công khai ngân sách và cộng đồng giám sát ngân sách phải qua quá trình thuyết phục rất khó, nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa vào như thế, nhưng nguyên tắc ngân sách là của dân, phải để dân biết”, ông Cường nhấn mạnh. Đồng thời, ông kỳ vọng sự ra đời của MOBI sẽ tạo sức ép để chỉ trong vòng 1 năm tới đây, điểm số về công khai ngân sách của các bộ sẽ tăng lên mức tối thiểu là 50/100.