Công khai việc thu tiền tip của du khách, nên hay không?

(SGTT) – Hiện nay, một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của các công ty du lịch là có nên công khai việc thu tiền tip của du khách. Điều này, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc tăng giá tour, ảnh hưởng đến việc cạnh tranh của các đơn vị lữ hành.

Mới đây, Hiệp hội Hướng dẫn viên (HDV) chuyên nghiệp Phú Quốc (Kiên Giang) đã ký văn bản về các mức tiền tip du khách cần trả. Cụ thể, đối với khách Việt Nam sẽ thu 25.000 đồng/người/ngày. Mức thu với khách nước ngoài là 4 đô la/người/ngày, thời gian áp dụng từ ngày 15-5.

Sau khi văn bản này được thông báo công khai trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Không ít người nhận xét việc bắt du khách trả tiền tip sẽ tạo hình ảnh xấu cho du lịch Phú Quốc.

Ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty du lịch Long An Tourist, chia sẻ, thường thì du khách đi tour sẽ chủ động bồi dưỡng cho HDV nhưng không phải tất cả, và HDV không thể nỗ lực bằng sự “tùy tâm”. Vì vậy, theo ông Luân, ngành du lịch Việt Nam cần có quy định rõ ràng về tiền tip theo xu hướng của thế giới, để tránh việc có khách cho, có khách không cho tiền tip, dễ dẫn đến chuyện HDV gây khó dễ hoặc chủ động gợi ý.

Du khách trải nghiệm đi bộ dưới biển ở Phú Quốc. Ảnh: Seaworld Namaste

Du khách trải nghiệm đi bộ dưới biển ở Phú Quốc. Ảnh: Seaworld Namaste

Ông L.H.T, Giám đốc của một đơn vị lữ hành ở TPHCM thì cho rằng, việc ký văn bản về các mức tiền tip du khách cần trả ở giai đoạn này là không nên, bởi ngành du lịch vừa trở lại, cần tạo điều kiện tối đa để thu hút du khách.

Ngoài ra, ông T, cũng nêu quan điểm, việc quy định cụ thể số tiền tip đối với khách Việt cũng như khách nước ngoài là không hợp lý. Với số lượng đoàn khách đông thì khoản tiền tip từ du khách là đáng kể, nhưng đối với đoàn khách nhỏ (private tour) chỉ 1 hay 2 thành viên, thì khoản tiền tip lại quá thấp.

Ông Huỳnh Phước Ninh, Giám đốc Công ty du lịch Apollotourist chia sẻ, tiền tip là một khoản thanh toán thêm bằng tiền mặt như một phần thưởng cá nhân từ người được phục vụ tặng cho người phục vụ với chất lượng bổ sung cho các dịch vụ đạt được trên mức chất lượng “bình thường” mong đợi.

Theo ông Ninh, xét về phương diện người nhận tiền tip, đây cũng là một cách để có được niềm vui trong công việc vì họ đã được khách hàng khen ngợi. Lời khen này có tác dụng giúp họ thoải mái hơn và có động lực làm việc tốt hơn. Chính vì thế, chuyện có đưa tiền tip hay không cần phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách du lịch.

Thực tế từ trước đến nay, luật pháp Việt Nam không có quy định về tiền tip. Chính đại diện của Hiệp hội HDV chuyên nghiệp Phú Quốc cũng thừa nhận, đơn vị này đã trình văn bản tới cấp chính quyền nhưng không được phê duyệt với lý do như trên.

Hiện nay, đối với tour du lịch quốc tế (outbound), hầu hết các hãng lữ hành đều thu trước tiền tip khi đóng tiền tour trước khi đi. Mức phí tip thường từ 3 đến 6 hay 10 đô la/người/ngày tùy đi châu Á hay châu Âu, Mỹ.

Trong trường hợp không thu tiền tip trước thì trên tờ chương trình tham quan của công ty cũng nhắc khéo, tiền tour không bao gồm tiền tip và đến ngày về nước, bao giờ HDV đoàn cũng thu công khai của khách.

Ở các quốc gia trên thế giới, văn hóa tip cũng rất khác nhau. Ở Mỹ, khi lưu trú tại khách sạn, du khách thường tip cho nhân viên buồng phòng khoảng 2-5 đô la/đêm, tùy vào thái độ phục vụ và hạng sao của khách sạn. Với nhân viên hành lý, khách Mỹ sẽ chi 1-5 đô la cho mỗi va li hành lý, túi xách lớn hay số tầng khách sạn.

Người Mỹ thường thưởng tiền tip 15-20% trên tổng giá trị hóa đơn khi ăn uống tại nhà hàng. Tuy nhiên, nếu hóa đơn đã ghi sẵn “service charge” hoặc “gratuity” thì họ sẽ không trả tip thêm nữa.

Tại Brazil, thông thường có khoảng 10% phí dịch vụ được thêm vào hóa đơn. Nhưng nếu không có, 15% giá trị hóa đơn là một khoản tiền tip hợp lý.

Trong khi đó, ở Pháp, tiền tip dành cho những người làm dịch vụ lại khá cao. Người dân nơi đây vốn nổi tiếng lịch thiệp nên họ không bao giờ quên thưởng tiền cho nhân viên phục vụ. Khoản tiền tip tại đây khá hậu hĩnh, ngang ngửa với người Mỹ, thậm chí còn nhiều hơn.

Nhiều nơi ở xứ sở hình lục lăng, phí phục vụ được cộng vào hóa đơn 15%. Tuy nhiên, khách vẫn đưa thêm một khoản tiền nhỏ thay cho lời cảm ơn. Có những trường hợp, du khách chỉ uống một tách cà phê hay một lon nước ngọt, nhưng họ vẫn sẵn sàng tip cho phục vụ tới 5 euro.

Du khách quốc tế trở lại Việt Nam du lịch sau thời gian nghỉ ngơi tránh đại dịch Covid-19. Ảnh: Tuyết Hằng

Du khách quốc tế trở lại Việt Nam du lịch sau thời gian nghỉ ngơi tránh đại dịch Covid-19. Ảnh: Tuyết Hằng

Trên thế giới, hiện có rất nhiều quốc gia “rộng rãi” với văn hóa gửi tiền tip nhưng vẫn có không ít những quốc gia nói “không” trong vấn đề này. Đơn cử như tại Nhật Bản, nơi đây coi việc tặng tiền tip cho phục vụ là một hành động thô lỗ.

Người Nhật quan niệm rằng, phục vụ là trách nhiệm của nhân viên và họ đã được trả mức lương xứng đáng cho công việc đó. Vì vậy, khách hàng vẫn sẽ nhận được chất lượng dịch vụ tốt nhất mà không cần phải tốn thêm khoản tiền nào.

Ở Trung Quốc, đưa tiền tip cho nhân viên phục vụ cũng bị coi là hành động xúc phạm. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn nhà nước ở quốc gia đông dân nhất thế giới đều bị cấm nhận tiền tip từ khách du lịch.

Tiền tip là một vấn đề khá tế nhị, theo một số chuyên gia du lịch, các đơn vị hữu quan nên tìm ra giải pháp nhẹ nhàng, không gây sốc hoặc “phản cảm” đối với các “thượng đế”, có thể tạo thói quen theo lộ trình dần dần để nhận được cả sự ủng hộ của công ty du lịch và du khách.

Trở lại với trường hợp liên quan đến văn bản về các mức tiền tip du khách cần trả của Hiệp hội HDV chuyên nghiệp Phú Quốc, ngày 21-3, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, xác nhận sau khi UBND thành phố mời lên làm việc, đại diện Hiệp hội HDV du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc hứa sẽ thu hồi lại thông báo.

Đinh Nam

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/cong-khai-viec-thu-tien-tip-cua-du-khach-nen-hay-khong/