Công nghệ AI giúp trò chuyện với người đã khuất

Nhờ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giờ đây mọi người có thể nói chuyện với những người thân yêu đã khuất của mình...

StoryFile - Công nghệ AI giúp trò chuyện với người đã khuất

StoryFile - Công nghệ AI giúp trò chuyện với người đã khuất

Bà Marina Helen Smith (87 tuổi) đã qua đời vào tháng 6 năm nay. Nhưng nhờ một công cụ trí tuệ nhân tạo, những người thân vẫn có thể trò chuyện với bà ngay trong tang lễ. Sau khi con trai của bà hỏi bà sẽ nói gì trong đám tang, bà đã có một bài phát biểu ngắn gọn về cuộc đời của mình. Bà Smith cũng trả lời các câu hỏi của những người thân yêu đã tham dự buổi lễ, tạo nên “một cuộc trò chuyện ảo” trong thời gian thực.

Bà Smith nói chuyện với người thân trong tang lễ của mình nhờ công nghệ AI

Bà Smith nói chuyện với người thân trong tang lễ của mình nhờ công nghệ AI

Đoạn video tương tác của bà Smith được thực hiện bằng công nghệ đến từ công ty khởi nghiệp StoryFile của con trai bà, có trụ sở tại Los Angeles. Ra đời vào năm 2017, công ty này cho phép mọi người tạo ra những video có thể trả lời câu hỏi của người xem, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát các video dưới dạng phản hồi. Các video của StoryFile hiện được chiếu tại các đám tang, CEO Stephen Smith cho biết.

StoryFile là một phần của xu hướng công nghệ mới được lấy ý tưởng từ cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Các công ty công nghệ đã tạo ra các công cụ cho phép mọi người nói chuyện với người đã khuất. Ngoài việc giúp mọi người thương tiếc và tưởng nhớ những người thân yêu, các chương trình như vậy có thể dùng như một công cụ giáo dục để trò chuyện với các nhân vật lịch sử.

Tiến sĩ Stephen Smith - Người sáng lập, Giám đốc StoryFile chia sẻ: “Chúng ta sẽ kể câu chuyện của mình vì điều đó có thể sẽ quan trọng đối với những người luôn quan tâm đến ta. Và trong 50, 100 năm nữa, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ muốn biết về những gì chúng ta đã làm, những gì chúng ta tin tưởng”.

Quá trình thực hiện video trong đó người đã mất trả lời các câu hỏi như sau: Khi còn sống, người đó ghi lại câu trả lời của chính mình cho các câu hỏi mà họ muốn được hỏi, sau đó tải chúng lên nền tảng StoryFile. Các clip của StoryFile chỉ sử dụng những câu trả lời đã được ghi sẵn, nếu bạn đặt ra một câu hỏi mà đối tượng không có câu trả lời được ghi lại, họ sẽ khuyến khích bạn hỏi một điều gì khác.

“Mọi người hỏi về công nghệ của StoryFile, họ cho rằng những gì họ nghe được là do AI tạo ra, rằng chúng tôi tạo ra hình ảnh con người và nội dung họ trả lời. Nhưng thực ra chúng tôi chỉ sử dụng AI để thu thập thông tin và tìm câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi. StoryFile không chỉnh sửa, không thay đổi nội dung. Video câu trả lời được thực hiện bởi con người. Tóm lại, StoryFile là nơi bạn kể câu chuyện của mình cho thế hệ tương lai, để họ có thể nói chuyện với bạn”, Tiến sĩ Stephen Smith khẳng định.

Công nghệ này giúp nói chuyện với các nhân vật lịch sử

Công nghệ này giúp nói chuyện với các nhân vật lịch sử

Ý tưởng StoryFile có thể bắt nguồn từ năm 2010 khi vợ của Smith, chị Heather Maio-Smith, đang tạo ra một cuộc triển lãm lịch sử về những người sống sót sau thảm họa Holocaust (thảm họa diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã). Stephen Smith cho biết, cô ấy muốn tạo ra “những cuộc trò chuyện hấp dẫn” để mọi người phỏng vấn những người sống sót thay vì chỉ đơn giản là nghe một câu chuyện lịch sử truyền miệng. Họ đã phát triển các cuộc phỏng vấn tương tác thông qua hợp tác với Đại học Nam California. Cuối cùng, Tiến sĩ Smith đã cho ra mắt StoryFile để ghi lại những câu chuyện từ các nhân vật lịch sử, còn Heather là giám đốc chiến lược của StoryFile.

Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể lưu lại câu trả lời của họ trên StoryFile chỉ với 48 USD (1 triệu đồng), chỉ phải trả một lần và họ có thể tiếp tục trò chuyện với con cháu mãi mãi.

Đức Mạnh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-nghe-ai-giup-tro-chuyen-voi-nguoi-da-khuat.htm