Công nghệ cao kiến tạo sản phẩm quốc gia trong HTX
Một trong những chìa khóa quan trọng để các HTX khai thác tối đa tiềm năng hiện nay là ứng dụng triệt để công nghệ mới và công nghệ cao (CNC) trong phát triển sản phẩm quốc gia.
Kinh tế tập thể (KTTT), với nòng cốt là các HTX đã được xác định là một thành phần kinh tế quan trọng của Việt Nam. Với bản chất là sự hợp tác tự nguyện, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, HTX sở hữu những ưu thế vượt trội trong việc khai thác hiệu quả nguồn lực địa phương, bảo tồn các giá trị truyền thống và tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Công nghệ là đòn bẩy tạo ra giá trị gia tăng đột phá
Tuy nhiên, trên con đường phát triển, khu vực KTTT, HTX vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, như quy mô nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh hạn chế, thiếu vốn đầu tư và đặc biệt là sự "chậm chân" trong ứng dụng khoa học công nghệ. Để vượt qua những rào cản này và phát huy tối đa tiềm năng, việc “bắt tay” với công nghệ mới và CNC là một yêu cầu cấp thiết.
Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, nông nghiệp công nghệ cao... đang mở ra những chân trời mới cho việc phát triển sản phẩm. Khi được ứng dụng vào khu vực KTTT, HTX, những công nghệ này sẽ mang lại những lợi ích to lớn.

HTX Chế biến Chè Fìn Hồ đã có sản phẩm OCOP 5 sao nhờ kết hợp giữa giá trị truyền thống và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất.
CNC cho phép HTX tối ưu hóa quy trình sản xuất, tự động hóa các công đoạn, giảm thiểu sai sót, từ đó nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm. Trong nông nghiệp, IoT và AI có thể giúp giám sát điều kiện môi trường, quản lý dịch bệnh, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao. Điều này đang được nhiều HTX quan tâm.
Tiêu biểu như HTX Công nghệ cao Duca (Bắc Giang) ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra hệ thống giám sát và quản lý từ xa cho các vườn nấm và trang trại đông trùng hạ thảo; HTX An Tâm Farm (Hà Tĩnh) triển khai trên nền tảng IoT để phát triển trồng rau quả thủy canh.
HTX Chúc Sơn (Hà Nội) đầu tư hệ thống trạm thời tiết thông minh, liên kết ứng dụng iMetos để đưa ra cảnh báo trực tiếp đến điện thoại thông minh về các thông tin thời tiết như lượng mưa, lượng nắng, độ ẩm,.. Ngoài ra, HTX đầu tư cho ứng dụng điện tử cho phép truy xuất nguồn gốc từ mã QR in trên bao bì sản phẩm, tới tận thửa ruộng của bà con nông dân...
Chinh phục thị trường, phát triển sản phẩm quốc gia
Việc áp dụng những công nghệ mới, hiện đại ở các HTX mở ra khả năng kết hợp các yếu tố truyền thống với những tiến bộ khoa học, tạo ra các sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường.
Chẳng hạn như các HTX Nông nghiệp Hoàng Hải, HTX Nông nghiệp tổng hợp Tam Xuân, HTX Nông nghiệp Xanh Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm phân bón từ phế phụ phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

HTX miến Việt Cường đầu tư dây chuyền hiện đại để sản xuất miến, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Không dừng lại ở đó, các nền tảng số, ứng dụng di động, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng dựa trên công nghệ giúp HTX quản lý hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo dõi nguồn gốc sản phẩm, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, giảm thiểu chi phí trung gian và mở rộng thị trường.
Sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, có chất lượng vượt trội, mẫu mã hấp dẫn và được quản lý hiệu quả sẽ giúp các HTX có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như HTX Chúc Sơn hiện đã chinh phục được nhiều doanh nghiệp, đối tác, siêu thị nhờ đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất rau quả theo chuỗi giá trị khép kín.
Hay HTX miến Việt Cường (Thái Nguyên) đã phát triển sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao khi đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ vào sản xuất miến theo chuỗi. Chính vì vậy, miến của HTX không chỉ vào các hệ thống cửa hàng uy tín trong nước mà xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng.
Còn HTX Chế biến Chè Fìn Hồ với hai sản phẩm Trà xanh 100g và Hồng trà 100g được công nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây là minh chứng cho chất lượng vượt trội của sản phẩm trà Fìn Hồ, đồng thời khẳng định sự đầu tư ứng dụng những công nghệ mới giúp HTX tạo được vị thế trên thị trường.
Để đạt được thành công này, HTX đã tập trung sử dụng 100% búp chè Shan tuyết cổ thụ được thu hái từ những cây chè có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Quy trình khép kín từ khâu thu hái, chế biến đến đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đi liền với đó, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chế biến trà, như công nghệ sấy lạnh, công nghệ lên men và đầu tư vào mẫu mã bao bì, quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông.
Hành động đồng bộ để hiện thực hóa tiềm năng
Hiện nay, các HTX không chỉ có sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được chứng nhận VietGAP, organic... mà nhiều HTX còn tham gia Chương trình OCOP và đạt được chứng nhận này. Đây được xem là một trong những nỗ lực quan trọng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng trở thành sản phẩm quốc gia, trong đó HTX đóng vai trò chủ thể quan trọng.
Tính đến 2024, cả nước có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, với hơn 2.420 HTX có sản phẩm OCOP. Tỷ lệ HTX có sản phẩm OCOP trên tổng số hơn 31.825 HTX (tính đến cuối năm 2023) là khoảng 7,6%.
Nhìn vào những con số về tỷ lệ HTX có sản phẩm OCOP cho thấy tiềm năng trở thành sản phẩm quốc gia vẫn còn tương đối khiêm tốn so với tổng số HTX trên cả nước.
Tuy nhiên, số lượng HTX tham gia chương trình OCOP và số lượng sản phẩm OCOP của HTX đang có xu hướng tăng lên, cho thấy sự chuyển đổi tích cực trong hoạt động của khu vực KTTT trong việc đầu tư sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm quốc gia dựa trên công nghệ mới, CNC trong khu vực KTTT, HTX, nhiều đại diện HTX cho rằng cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về ứng dụng công nghệ cho cán bộ quản lý HTX, thành viên và người lao động. Chú trọng đào tạo về kỹ năng số, quản lý dữ liệu, marketing trực tuyến và các công nghệ sản xuất tiên tiến.
Liên minh HTX Việt Nam đã xác định hỗ trợ các HTX tham gia hiệu quả vào chương trình OCOP. Bởi OCOP tập trung vào việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng, mang đậm bản sắc địa phương, đây là tiền đề quan trọng để hình thành các sản phẩm quốc gia và thúc đẩy giá trị gia tăng cho các HTX.
Bên cạnh đó, việc kết nối các HTX với các chuyên gia công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học để được tư vấn, hỗ trợ về chuyển giao và ứng dụng công nghệ cũng tạo nền tảng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi hiện nay, công nghệ cao, công nghệ AI phát triển rất mạnh mẽ nên cần tạo điều kiện hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ như sử dụng các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để tạo ra trải nghiệm quảng bá sản phẩm độc đáo và hấp dẫn.