Công nghệ đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano: Hiệu quả trong bảo quản cá ngừ
Để giảm tổn thất sau thu hoạch cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, nhất là tàu câu cá ngừ đại dương, Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam (Viện Nghiên cứu hải sản) đã thí điểm mô hình bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano trên tàu cá Khánh Hòa.
Chuyến biển tháng 4, tàu câu cá ngừ đại dương KH 91568 TS của ngư dân Lê Văn Đồng (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) đã cập cảng Hòn Rớ sau hơn 20 ngày bám biển tại ngư trường Trường Sa - Nhà giàn DK1, với kết quả khai thác được 43 con cá ngừ vây vàng mắt to, trọng lượng trung bình 35kg/con. Trong đó, có 23 con được bảo quản theo phương pháp truyền thống bằng đá xay và 20 con được bảo quản bằng công nghệ đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano (cán bộ kỹ thuật của Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam đi cùng tàu để hướng dẫn ngư dân thực hiện). Ông Lê Văn Đồng cho biết: “Cảm quan có thể thấy, những con cá ngừ được bảo quản bằng công nghệ mới có màu sắc tươi, không bị xỉn màu hay chuyển sang màu nhạt so với những con cá được bảo quản theo cách truyền thống. Đặc biệt, phần thân cá đảm bảo độ sáng, bóng; da cá không bị bong tróc, va đập hay trầy xước”.
Cá ngừ đại dương được bảo quản bằng công nghệ đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano trên tàu cá của ông Lê Văn Đồng.
Hiện nay, hơn 90% ngư dân trên địa bàn tỉnh bảo quản thủy sản khai thác được bằng đá xay, ngưỡng nhiệt độ trong các hầm bảo quản mức 0 độ C, cá bảo quản tối đa từ 10 đến 12 ngày buộc phải bán sản phẩm, nếu không sẽ không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, mỗi chuyến biển của ngư dân thường kéo dài 20-25 ngày và việc bảo quản không đảm bảo chất lượng dẫn đến tỷ lệ hao hụt sau khai thác rất lớn, có thể lên đến gần 40%. Để giải quyết vấn đề giảm tổn thất sau khai thác cho các tàu đánh cá xa bờ, giai đoạn 2017-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện một số dự án liên quan đến cải tiến công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác trên tàu cá. Trong đó, bảo quản cá ngừ bằng đá sệt (lấy nước trên biển để sản xuất ra đá sệt, không cần mang theo đá từ bờ) đã được viện làm chủ công nghệ, chế tạo thành công thiết bị sản xuất đá sệt. Ngoài ra, công nghệ Nano UFB (sử dụng khí Nitơ Nano để phục vụ bảo quản thủy sản) cũng được viện làm chủ công nghệ và đã được cấp chứng nhận tiến bộ kỹ thuật nhằm phục vụ bảo quản cá ngừ vây vàng.
Theo ông Đinh Xuân Hùng - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ khai thác và sau thu hoạch (Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam), trong khuôn khổ Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương và cá thu trên tàu cá bằng đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano”, phân viện đã kết hợp 2 công nghệ: Đá sệt và Nano UFB, trong đó phần Nano UFB chủ yếu tập trung sử dụng khí Nitơ để loại bỏ oxy hòa tan và làm sạch đá sệt. Việc kết hợp 2 công nghệ này để khắc phục nhược điểm của nhau nhằm tạo ra công nghệ mới đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano. Đây là công nghệ tạo môi trường bảo quản ở nhiệt độ thấp, khắc chế oxy để bảo quản cá tốt hơn, phù hợp với thời gian chuyến biển dài ngày của nghề câu cá ngừ đại dương. Trong giai đoạn 2 - tổ chức sản xuất thử nghiệm thực tế, phân viện triển khai mô hình bảo quản theo công nghệ mới này trên một tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa. Trong đó, chuyến biển của tàu KH 91568 TS của ông Lê Văn Đồng là chuyến đầu tiên có sản lượng cá ngừ đại dương cao và được bảo quản bằng công nghệ đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano. Đơn vị đã phối hợp với doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ chất lượng cao tại Khánh Hòa lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu cơ thịt, hóa học, vi sinh… để xác định chất lượng sản phẩm. Sau quá trình thử nghiệm thành công, mô hình bảo quản này sẽ được phổ biến nhân rộng cho ngư dân các địa phương.