Công nghệ đâu?

Thống kê cũng cho thấy, tới đầu tháng 3, tổng số F0 tự điều trị tại nhà đã lên đến gần 1 triệu người.

GD&TĐ - Thống kê cũng cho thấy, tới đầu tháng 3, tổng số F0 tự điều trị tại nhà đã lên đến gần 1 triệu người.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Theo thống kê của ngành Y tế, tính đến cuối ngày 9/3, số trường hợp được ghi nhận mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ qua là gần 165 nghìn ca, nâng tổng số người mắc trên phạm vi cả nước lên hơn 5 triệu trường hợp.

Thống kê cũng cho thấy, tới đầu tháng 3, tổng số F0 tự điều trị tại nhà đã lên đến gần 1 triệu người.

Trên thực tế, chắc chắn số lượng người mắc Covid -19 còn cao hơn thế nhưng người dân đã không khai báo vì nhiều lí do.

Chẳng hạn như tâm lí chủ quan vì đã tiêm vắc-xin hay độc lực của biến chủng mới không mạnh, ít nguy hiểm, có thể tự chữa bằng các loại thuốc không kê đơn trong bối cảnh cơ quan chức năng đang dần tiến tới coi Covid-19 như một bệnh “đặc hữu”... Nhưng cũng nhiều người không khai báo vì quá mất thời gian trong khi “chả được gì”(!?)

Ngược lại, cũng có rất nhiều người muốn được khai báo, được chứng nhận đã khỏi Covid-19 nhưng hoặc phải mất rất nhiều thời gian hoặc không thể thực hiện được vì vô vàn lí do, trong đó nổi bật nhất là lực lượng chuyên trách quá tải và thủ tục quá nhiêu khê.

Theo ghi nhận, tại các địa phương có số lượng F0 tự điều trị tại nhà cao như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh hay Đà Nẵng đều xuất hiện tình trạng người dân phải xếp hàng, chen lấn để xin được giấy chứng nhận mắc và khỏi Covid-19 và làm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc tránh bị nộp phạt do không khai báo.

Nhưng do chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này nên nhiều địa phương và nhiều cơ quan chưa có sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây nhiều bức xúc cho người lao động.

Bộ Y tế cho rằng Thông tư số 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế) có nội dung quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Cũng theo Bộ này, hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đồng thời chưa chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định để cơ quan Bảo hiểm xã hội làm cơ sở giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc các cơ sở khám, chữa bệnh cấp hồ sơ, giấy tờ cho người lao động không đúng theo quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ.

Có thể thấy, trong số 7 loại giấy mà Bộ Y tế đề xuất, mặc dù có thể tạo điều kiện cho người dân nhưng về cơ bản vẫn phải thực hiện theo quy trình thủ công và hoàn toàn không thấy bóng dáng của một hình thức xác nhận nào bằng công nghệ.

Đã có thời điểm, trong phòng chống Covid-19 chúng ta đưa ra tiêu chí 5K + Vắc-xin + Công nghệ. 5K được nhắc tới mọi lúc, mọi nơi và thậm chí đã có ý kiến nên điều chỉnh cho phù hợp với bình thường mới. Tiến độ tiêm vắc-xin của Việt Nam cũng ngang ngửa thế giới (gần 199 triệu liều).

Để giải quyết những việc liên quan đến số lượng lớn, ở cùng một thời điểm, tiết kiệm thời gian và công sức... thì thực tế đã chứng minh không gì ưu việt hơn áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, tiện ích mà nó mang lại dường như chưa thấm vào đâu so với kì vọng. Và việc người dân tiếp tục phải chen chân, chờ đợi để xin giấy xác nhận là một minh chứng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/cong-nghe-dau-BPAs4uY7g.html