Công nghệ giao diện não - máy tính phát triển như vũ bão tại Trung Quốc

Một trong những lĩnh vực đang được Trung Quốc tăng tốc phát triển nhằm tạo đột phá và cạnh tranh toàn cầu, đó là công nghệ giao diện não-máy tính (BCI).

Giao diện não - máy tính (BCI) là trọng tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu hiện nay và là lĩnh vực cốt lõi tạo ra hướng đi mới, động lực mới và lợi thế mới cho sự phát triển công nghiệp trong tương lai. Tại Trung Quốc, sự phát triển của các công nghệ và thiết bị BCI đã bước vào giai đoạn then chốt của những đột phá đổi mới và mở rộng ứng dụng.

Đây là những đánh giá của Đại học Thiên Tân khi nêu lý do thành lập chuyên ngành đầu tiên về BCI ở Trung Quốc, thậm chí là thế giới trong niên khóa 2024-2025 hồi cuối tháng 8 năm nay.

Sản phẩm tay giả của công ty BrainCo sử dụng công nghệ BCI không xâm lấn, giúp người dùng có thể chơi nhạc cụ

Sản phẩm tay giả của công ty BrainCo sử dụng công nghệ BCI không xâm lấn, giúp người dùng có thể chơi nhạc cụ

Cũng theo trường đại học này, công nghệ “mang tính cách mạng” đại diện cho lực lượng sản xuất chất lượng mới này, hướng đến mục tiêu thiết lập một đường dẫn thông tin trực tiếp giữa não và các thiết bị bên ngoài, để đạt được cái gọi là kiểm soát bằng “suy nghĩ”, qua đó tạo đột phá trong tương tác giữa người và máy tính, làm thay đổi phương thức sản xuất và lối sống của con người.

Ngay từ năm 2016, Trung Quốc đã khởi động Chương trình Não bộ Trung Quốc (CBP), hay còn được gọi là Khoa học não bộ và công nghệ trí tuệ giống não bộ. Trong dự án này, giao diện não - máy tính đóng vai trò then chốt và cho thấy tiềm năng phát triển to lớn trong nhiều lĩnh vực.

Hồi cuối tháng 1/2024, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã cùng 6 bộ khác ban hành “Ý kiến thực hiện việc thúc đẩy đổi mới và phát triển các ngành công nghiệp tương lai”, nêu rõ mục tiêu tạo ra 10 sản phẩm biểu tượng sáng tạo, bao gồm robot hình người, máy tính lượng tử, BCI và thiết bị mạng 6G. Trong đó, vào năm 2025, Trung Quốc có thể sẽ tạo ra hàng trăm đột phá công nghệ và “hàng trăm sản phẩm mang tính biểu tượng”.

Cũng trong tháng 1, một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa đã thông báo cấy ghép thành công thiết bị BCI xâm lấn tối thiểu không dây đầu tiên trên thế giới NEO (Neural Electronic Opportunity) vào não của hai bệnh nhân bị liệt để thử nghiệm điều trị hỗ trợ BCI vào tháng 10 và tháng 12/2023.

Hồi tháng 6, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một robot gắn bộ não nhân tạo được nuôi trong phòng thí nghiệm, có khả năng được dạy để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Robot này được tạo ra dựa trên công nghệ não trên chip (Brain-on-chip technology) do các nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân và Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam phát triển. Công nghệ trên là hướng mới nổi của BCI.

Tiếp đó, Trung tâm nghiên cứu Chip não với kinh phí 400 triệu nhân dân tệ (56 triệu USD) của Đại học Phúc Đán chính thức ra mắt vào ngày 3/8/2024, tập trung vào công nghệ giao diện não-máy tính. Động thái này nhằm thúc đẩy công nghệ đột phá trong nhóm “các lực lượng sản xuất chất lượng mới” và thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ giao diện não-máy tính.

Công nghệ BCI gồm các phương pháp xâm lấn và không xâm lấn. Với phương pháp xâm lấn, tương tự như công nghệ chip não Neuralink của tỷ phú Elon Musk, Trung Quốc đã có nhiều tiến triển. Trong khi đó, lĩnh vực BCI không xâm lấn, nước này hiện đang là quốc gia dẫn đầu.

BrainCo là doanh nghiệp kỳ lân về BCI không xâm lấn đầu tiên của Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông nước này. Sản phẩm của công ty này, như chân, tay giả hay các thiết bị hỗ trợ giúp đầu óc tập trung và điều trị các bệnh về thần kinh, đã có mặt ở Mỹ và nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đánh giá về những ưu thế của Trung Quốc trong cuộc chiến cạnh tranh BCI toàn cầu với phóng viên VOV tại Bắc Kinh, bà Nyx He, đối tác của BrainCo, cho biết: “Hiện nay, công nghệ này đang có những bước phát triển nhảy vọt, đặc biệt trong hai năm qua phát triển rất nhanh chóng. Một mặt, là do công nghệ đang có những bước đột phá trên nhiều phương diên, dù là phần mềm, phần cứng, vật liệu, thuật toán AI hay cảm biến, giúp công nghệ giao diện não-máy tính trở nên khả thi hơn. Thứ hai là nhà nước rất coi trọng, nhiều chiến lược của đất nước đều hỗ trợ cho sự phát triển của BCI. Ngoài ra, còn có nhiều sự khuyến khích trên các lĩnh vực, như y tế, phục hồi chức năng và sức khỏe. Do vậy, tôi nghĩ nó sẽ phát triển rất, rất nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.”

Bà Nyx He đang giới thiệu về sản phẩm của BrainCo

Bà Nyx He đang giới thiệu về sản phẩm của BrainCo

Theo công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, quy mô thị trường BCI toàn cầu đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 3,3 tỷ USD vào năm 2027, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể đạt 11,5% trong giai đoạn 2024-2032.

Giờ đây, nhờ công nghệ BCI, những cảnh kinh điển trong các phim khoa học viễn tưởng, như phim “Ma trận” với nhân vật chính được kết nối với hệ thống ma trận thông qua giao diện não-máy tính và có thể ra vào tự do trong thế giới ảo, hay phim “Avatar”, với suy nghĩ của một người có thể điều khiển một avatar ở hành tinh khác đã dần trở thành hiện thực.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/cong-nghe-giao-dien-nao-may-tinh-phat-trien-nhu-vu-bao-tai-trung-quoc-post1136284.vov