Công nghệ giúp người cao tuổi vượt khủng hoảng tâm lý

Tình trạng người cao tuổi ở Việt Nam bị 'bỏ rơi' và không hòa nhập với con cháu đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý của họ. Trong bối cảnh này, việc áp dụng công nghệ vào hỗ trợ khủng hoảng tâm lý cho người cao tuổi không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính họ, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

Lớp học công nghệ miễn phí dành cho người cao tuổi. (Ảnh: Ngọc Ngân)

Lớp học công nghệ miễn phí dành cho người cao tuổi. (Ảnh: Ngọc Ngân)

Vấn đề sức khỏe tâm lý ở người cao tuổi

Nhiều người vẫn thường cho rằng trong xuyên suốt quá trình phát triển từ khi sinh ra, thanh, thiếu niên là lứa tuổi nhạy cảm nhất với những phát triển về mặt tâm lý nhanh chóng và rõ rệt. Quan điểm này không sai, nhưng vẫn còn một lứa tuổi khác có tâm lý nhạy cảm không kém, đó là người cao tuổi. Theo thời gian, sau khi đạt tới đỉnh cao ở tuổi trưởng thành, chức năng cơ thể và khả năng nhận thức bắt đầu suy giảm khi bước vào giai đoạn “xế chiều”. Đây chính là quá trình lão hóa, một quy luật tự nhiên của sự phát triển.

Lão hóa khiến người cao tuổi phải đối mặt với nhiều thay đổi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi tuổi càng cao cơ thể càng nhanh bị lão hóa, sức khỏe người già cũng vì thế mà giảm sút nhanh chóng. Sự suy giảm về sức khỏe dẫn đến những thay đổi về tính cách nên cảm xúc của người cao tuổi có nhiều thay đổi bất thường. Họ thường dễ xúc động, do đó, nếu không được quan tâm, chăm sóc, người cao tuổi rất dễ nổi cáu, phát sinh mâu thuẫn với con cháu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên khoảng cách giữa người già và người trẻ.

Thực tế cho thấy, hiện nay thế hệ con cháu thường ít có sự tương tác với thế hệ ông bà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đa phần là do con cháu mải mê, bận rộn bởi cuộc sống bên ngoài. Khi sự tương tác giữa các thế hệ giảm đi, người cao tuổi thường cảm thấy một mình và bị lãng quên. Cộng với việc, năm tháng trôi qua, các vòng tròn kết nối xã hội của người cao tuổi dần bị thu hẹp, người cao tuổi rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn và cảm thấy bị cô lập với xã hội.

Điều này có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ, khiến người cao tuổi dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Từ đó, những khủng hoảng tâm lý như cảm giác bất lực, chán nản, mệt mỏi, tự ái, cáu gắt và lo lắng xuất hiện ngày càng nhiều. Thông thường khi có những dấu hiệu trên người già rất dễ mắc các bệnh lý người cao tuổi như trầm cảm, mất trí nhớ tạm thời và thiếu minh mẫn.

Trong đó, trầm cảm có tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi nhưng thường bị bỏ qua. Trầm cảm ở người cao tuổi thường là đợt trầm cảm tái diễn của bệnh lý cảm xúc khởi phát từ trước (trầm cảm khởi phát sớm). Trầm cảm ở người cao tuổi còn là những khởi phát sau tuổi 65 (trầm cảm khởi phát muộn). Yếu tố nguy cơ gây trầm cảm ở người cao tuổi được chia thành các yếu tố về mặt sinh học (giới tính, tiền sử trầm cảm trước đây, bệnh lý cơ thể, đau mạn tính, rối loạn giấc ngủ) và yếu tố về mặt tâm lý- xã hội (biến cố trong gia đình như mất người thân, ly hôn, cô đơn hoặc hoàn cảnh xã hội như thiếu sự trợ giúp của xã hội, thiếu kết nối xã hội, thu nhập thấp). Tỷ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn so với nam giới, có thể lên đến gấp đôi ở tuổi trẻ, nhưng khác biệt này dần thu hẹp ở các độ tuổi cao hơn.

Về dấu hiệu nhận biết bệnh, nếu như trầm cảm ở người trẻ dễ nhận thấy thông qua sắc mặt, cảm xúc thì người cao tuổi có hai dấu hiệu then chốt là quan tâm quá mức về sức khỏe và biểu hiện buồn chán không nổi trội. Nếu người cao tuổi xuất hiện các triệu chứng như than phiền về sức khỏe, lo âu hoặc ám ảnh, giảm quan tâm thích thú, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi, thay đổi khẩu vị, chán ăn, trọng lượng cơ thể thay đổi, khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc sớm, mệt mỏi hoặc có ý nghĩ phạm lỗi và ý định tự tử, thậm chí có kế hoạch hoặc đã thử tự tử, rất có thể họ đang mắc trầm cảm.

Đáng chú ý là những triệu chứng này thường bị bỏ qua hoặc bị nhầm lẫn với những vấn đề bình thường của tuổi già, dẫn đến việc trầm cảm ở người cao tuổi thường được phát hiện và điều trị muộn. Hậu quả là, tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, việc nhận diện và điều trị trầm cảm ở người cao tuổi là rất quan trọng để ngăn ngừa những hệ lụy nghiêm trọng.

Tìm thấy niềm vui từ công nghệ

Thông thường, các phương pháp điều trị trầm cảm người cao tuổi thường thấy bao gồm sử dụng thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và các phương pháp thư giãn luyện tập. Quan trọng nhất, trầm cảm ở người cao tuổi là căn bệnh thường gặp ở những người già cô đơn, thiếu sự chăm sóc của gia đình, ít giao tiếp xã hội, gặp khó khăn áp lực trong cuộc sống, do đó cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ phía gia đình, người thân và cộng đồng.

Tuy nhiên, với cuộc sống bận rộn như hiện nay, việc gia đình, người thân có thể theo sát, bên cạnh người cao tuổi mọi lúc, mọi nơi rất khó. Điều này khiến các vấn đề khủng hoảng tâm lý của người cao tuổi tiếp diễn thường xuyên và dễ tái đi tái lại. Trong bối cảnh này, công nghệ đã xuất hiện như một giải pháp hiệu quả, giúp kết nối và hỗ trợ người cao tuổi một cách kịp thời. Nhưng để làm được điều đó, trước hết người cao tuổi cần phải làm quen với công nghệ.

Là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ số. Hệ quả là, công nghệ trở thành rào cản, ngăn cản người cao tuổi hòa nhập với xã hội hiện đại, làm gia tăng cảm giác cô đơn và tách biệt của họ trong giai đoạn tuổi “xế chiều”.

Muốn người cao tuổi làm quen với công nghệ, sự đồng hành, giúp đỡ của thế hệ trẻ là rất quan trọng. Quá trình dạy ông bà cách sử dụng các thiết bị điện tử là cơ hội quý giá để con cháu tương tác với ông bà, tạo dựng mối liên kết gần gũi hơn. Điều này không chỉ giúp xóa nhòa khoảng cách giữa hai thế hệ mà còn mang lại cho người cao tuổi cảm giác được quan tâm và yêu thương.

Bên cạnh đó, nhiều lớp học được tổ chức tại một số địa phương nhằm hướng dẫn người cao tuổi ứng dụng công nghệ trên điện thoại và các thiết bị điện tử. Đây là một trong những giải pháp vừa thiết thực, vừa nhân văn, cho kết quả rất tích cực. Những lớp học này không chỉ giúp người cao tuổi làm quen với các ứng dụng cơ bản như gọi video, nhắn tin hay sử dụng mạng xã hội, mà còn mở ra không gian giao lưu thú vị giữa những người cùng trang lứa.

Được khởi xướng từ năm 2010, lớp học công nghệ miễn phí dành cho người cao tuổi do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ quận 1, TP HCM tổ chức đã thu hút hàng ngàn học viên tham gia. Mỗi khóa học kéo dài 4 tuần, bắt đầu từ những kiến thức căn bản như cách mở và tắt máy tính. Học viên sẽ dần làm quen với việc sử dụng các ứng dụng phổ biến trên điện thoại. Ngoài ra, lớp học còn cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng các ứng dụng hữu ích khác như Zalo và Facebook, giúp người cao tuổi dễ dàng kết nối với gia đình và bạn bè.

Sau khi kết thúc khóa học, hầu hết các cụ ông, cụ bà đều sử dụng thuần thục các ứng dụng phổ biến, quan trọng nhất là biết cách liên hệ với con cháu thông qua điện thoại. Không chỉ vậy, người cao tuổi còn có thể truy cập Internet để đọc báo, xem video trên YouTube,… vừa đáp ứng nhu cầu cập nhật tin tức, vừa giải trí. Chưa hết, việc tìm hiểu thông tin về sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cũng trở nên dễ dàng hơn. Người cao tuổi có thể tìm hiểu về các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phương pháp ăn uống lành mạnh và các mẹo chăm sóc sức khỏe phù hợp. Điều này khuyến khích người cao tuổi duy trì một lối sống tích cực và chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Công nghệ không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp, mà còn là cầu nối giúp người cao tuổi cảm thấy mình vẫn được quan tâm và có giá trị trong xã hội. Việc hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ cũng là giúp họ xóa bỏ khoảng cách thế hệ với con cháu, tự tìm thấy niềm vui và tăng sự gắn kết trong cộng đồng.

Một cuộc khảo sát gần đây của Hội Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, khoảng 60% người cao tuổi cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập với con cháu do khoảng cách thế hệ và sự khác biệt trong lối sống. Khoảng 40% trong số họ cũng cho biết gặp khó khăn khi sử dụng công nghệ hiện đại, từ đó gia tăng cảm giác lạc lõng và cô đơn.

Tuệ Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cong-nghe-giup-nguoi-cao-tuoi-vuot-khung-hoang-tam-ly-post528328.html