Công nghệ không thay thế được người thầy

Liên tục gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước tốc độ phát triển nhanh đến mức kinh ngạc của ứng dụng ChatGPT. Mặc dù hiện nay người dùng không dễ đăng ký tài khoản sử dụng phần mềm này, nhưng nhiều học sinh phổ thông cho biết đã tìm cách vượt qua 'tường lửa' để trải nghiệm và thích thú với những tiện ích ChatGPT mang lại.

Câu hỏi được đặt ra là, song song với những tính năng nổi trội như cung cấp nhanh kiến thức, hỗ trợ các bước giải một bài toán, viết bài luận cho học sinh, ChatGPT liệu có thay thế vai trò của người thầy?

Nguyễn Hữu Tài, sinh viên năm 4, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định, công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển với nhiều sản phẩm tiến bộ nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò người thầy.

“Thầy cô giáo khi lên lớp ngoài việc truyền đạt kiến thức còn tổ chức nhiều hoạt động, rèn kỹ năng học tập cho học sinh. Giáo viên còn không thể bắt chước nhau do mỗi người có cá tính dạy học riêng, nên công nghệ dù phát triển đến mấy cũng không thể sao chép một con người”, sinh viên này bày tỏ.

Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho rằng, nếu bản thân giáo viên không ngừng học hỏi, cải tiến phương pháp giảng dạy, vận dụng linh hoạt kỹ năng và kiến thức để đem đến những bài giảng sinh động, thu hút học sinh thì không máy móc nào thay thế được.

Trần Võ Thế Huy, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho biết, em dùng ChatGPT và có hẳn vài tài khoản khác nhau để luân phiên sử dụng. Nam sinh này thừa nhận, dù ứng dụng có nhiều tính năng tích cực nhưng nếu người dùng không có sự sàng lọc, sao chép nguyên xi kiến thức thì sẽ dễ rơi vào tình trạng thông tin không rõ ràng, có sự trùng lặp hoặc chưa được kiểm chứng.

Đây cũng là lời cảnh báo của ThS Lê Thanh Tùng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hoa Sen, trước tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT nhưng thiếu sự tỉnh táo. ThS Lê Thanh Tùng khuyên các bạn trẻ không nên quá phụ thuộc hay ỷ lại vào công nghệ, vì bất cứ phần mềm hay ứng dụng nào cũng chỉ mang tính hỗ trợ việc học; phần quyết định thành công của việc học là sự chủ động nghiên cứu, sàng lọc kiến thức và tư duy sáng tạo của học sinh.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-nghe-khong-thay-the-duoc-nguoi-thay-post678252.html