Công nghệ mới giúp tăng năng suất – nhiều người không nghĩ thế!

Thấy những gì trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới có thể làm được, ai cũng nghĩ rồi đây chúng sẽ giúp nâng cao năng suất của toàn nền kinh tế. Nhưng nhiều người không nghĩ thế!

Với máy tính cá nhân, những tưởng năng suất của mọi người sẽ tăng lên rõ rệt. Nhưng theo một bài viết trên tờ New York Times, mức tăng năng suất hiện nay chỉ bằng một nửa của thập niên 1950 và 1960. Những gì công nghệ thông tin giúp con người làm công việc cũ nhanh hơn gấp bội nhờ máy tính lại bị kéo lùi bởi các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là sự phân tâm mà việc kết nối Internet đem lại cho môi trường làm việc.

Giáo sư công nghệ thông tin Gloria Mark, Đại học California, nghiên cứu cách người ta sử dụng máy tính vào năm 2004 và ngạc nhiên khi thấy thời gian bình quân một người làm việc trước màn hình liên tục là 2,5 phút, tức họ chỉ tập trung vào công việc một lúc rồi bị phân tâm vào việc khác như kiểm tra e-mail, đọc tin tức hay xem một trang web khác. Nhưng tình hình càng tệ hại hơn vì bà thấy đến năm 2012, thời gian bình quân này giảm còn 75 giây và bây giờ xuống còn 47 giây!

Cái mất đi không chỉ là thời gian vì khi Gloria Mark thử cho người đang làm việc kết nối với máy đo huyết áp, theo dõi nhịp tim, đo hóa chất trong máu thì bà thấy việc liên tục chuyển sự chú ý từ chỗ này sang chỗ khác như thế làm con người căng thẳng hơn, khó chịu hơn.

Đó là máy tính cá nhân, kết nối Internet và mạng xã hội. Nay với các AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI, Bard của Google hay Bing của Microsoft, chúng có thể viết nguyên một kế hoạch marketing trong vài phút, soạn một bài diễn văn hay viết một e-mail trong nháy mắt. Chúng thừa khả năng đọc một tài liệu dài và tóm tắt còn vài đoạn rất súc tích, đầy đủ ý. Các AI khác có thể vẽ hình, soạn nhạc, làm video trong thời gian chúng ta pha ly cà phê ngồi chờ thưởng thức. Chính vì tốc độ làm việc này, ai cũng kỳ vọng AI sẽ giúp con người nâng năng suất lên mức chưa từng có.

Nhưng, cũng như máy tính cá nhân, AI tạo sinh sẽ không giúp gì cho năng suất con người, thậm chí có thể làm giảm năng suất vì nhiều lý do. Đầu tiên do các AI thường xuyên đẻ ra thông tin sai, có thể trộn sai với đúng, hoặc nêu thông tin đúng nhưng trích nguồn sai, nguồn bịa đặt, thế nên không một ai dám sử dụng sản phẩm của AI tạo ra mà không kiểm chứng. Hỏi AI một vấn đề phức tạp, nó nhanh nhẩu trả lời, nhưng ai dám đoan chắc câu trả lời hoàn toàn chính xác? Công đoạn kiểm chứng mọi thông tin AI đưa ra sẽ ăn hết vào thời gian tiết kiệm được nhờ tốc độ của chính nó.

Đầu năm nay, CNET, trang tin công nghệ đã thử dùng AI để viết tin và có biên tập viên là người kiểm soát chất lượng. Thoạt tiên tưởng đâu mọi việc sẽ thông suốt, quy trình viết tin được tự động hóa. Thế nhưng trong 77 bài do AI viết và xuất bản, đến 41 bài có sai sót, sau đó phải đính chính. Tổng biên tập CNET mặc dù vẫn cho rằng bài do AI viết do có chú ý đến tối ưu hóa cho việc tìm kiếm nên thường được đọc nhiều nhưng cuối cùng cũng phải chấm dứt chương trình thử nghiệm.

Thử tưởng tượng dùng AI để tạo ra nội dung, đúng sai có thể là chuyện không quan trọng trên các trang web giải trí nhưng với các trang web giải đáp các vấn đề y học, nội chuyện thuê chuyên gia kiểm chứng mọi thông tin AI đưa ra cũng đã tốn kém và mất thời gian nhiều hơn cả khi thuê bác sĩ phụ trách.

Marcela Martin, chủ tịch trang tin BuzzFeed tóm tắt vấn đề: “Thay vì đẻ ra 10 ý tưởng trong vòng 1 phút, AI có thể sản sinh hàng trăm ý tưởng trong vòng 1 giây”. Và đó chính là điểm nghẽn AI sẽ gây ra; phải có ai đó dùng thời gian quý báu để kiểm tra hàng trăm ý tưởng đó. Nếu nhân rộng ra khắp nền kinh tế, chúng ta sẽ thấy năng suất bị ảnh hưởng như thế nào.

Một ví dụ khác trên tờ Economist, giả sử một cộng đồng dân cư sử dụng GPT-4 để nhanh chóng viết một kiến nghị dài 1.000 trang phản đối một dự án phát triển tại địa phương, ắt sẽ phải có người đọc kiến nghị này rồi trả lời. Nhưng một nhóm khác, cũng sử dụng GPT-4 lại đẻ ra kiến nghị khác với độ dài không kém, cứ vài chục kiến nghị như thế sẽ làm tê liệt bộ máy hành chính địa phương chứ đừng nói duy trì năng suất.

Sẽ có người lý luận, tại sao không dùng GPT-4 để đọc và trả lời các kiến nghị này như một giải pháp? Đây chính là điều nhiều người lo ngại: sẽ đến thời AI giúp đẻ ra các e-mail và tài liệu đính kèm dài, người nhận sẽ dùng AI để tóm tắt thành các gạch đầu dòng và trao đổi lại bằng một e-mail và tài liệu dài không kém.

Như thế dòng chảy thông tin nhìn qua rất ấn tượng nhưng chỉ do máy xử lý, con người hầu như không đóng vai trò gì trong quá trình này. Đó là chưa kể khả năng phải thuê người kiểm tra lại mọi tài liệu có dính đến bàn tay của AI xem nó tóm tắt đúng chưa hay bịa ra. Thế nên không thể kỳ vọng AI nâng năng suất con người lên trong một sớm một chiều.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cong-nghe-moi-giup-tang-nang-suat-nhieu-nguoi-khong-nghi-the/