Công nghệ nào giảm thiểu tai nạn hầm lò?

Rủi ro bục nước đã được cảnh báo rất nhiều trong tài liệu về an toàn và các chương trình đào tạo về khai thác mỏ hầm lò. Mùa mưa, nguy cơ bục nước là cao nhất.

Liên tiếp các tai nạn hầm lò

Mặc dù đã siết chặt công tác quản lý cũng như đầu tư rất nhiều cho an toàn lao động nhưng ngành than vẫn không tránh khỏi những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Vào lúc 22 giờ 10 phút ngày 29/7, tại Công ty than Hòn Gai- TKV, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra vụ tai nạn hầm lò nghiêm trọng, đáng tiếc làm tử vong 5 công nhân. Nguyên nhân ban đầu được xác định do than, đất đá trong hầm lò bất ngờ sụt lở.

Cần có kế hoạch dự báo, đánh giá rủi ro sớm để phòng ngừa tai nạn hầm lò.

Cần có kế hoạch dự báo, đánh giá rủi ro sớm để phòng ngừa tai nạn hầm lò.

Trước đó, ngày 13/5 tại Công ty Than Quang Hanh - TKV cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 công nhân tử vong và 1 công nhân bị thương. Nguyên nhân được xác định là do đá vách trực tiếp bị sập đổ đột ngột trong lúc các công nhân đang làm việc, làm xô dạt một số giá chống. Từ đầu năm đến nay, ngành than đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động hầm lò và có công nhân tử vong.

Theo TS Nguyễn Anh Thơ, chuyên gia về an toàn, vệ sinh lao động nhận định nhiều khả năng lò bị bục nước do mưa lớn kéo dài, lượng nước tích tụ lại nên đã gây sập. Rủi ro bục nước thực ra đã được cảnh báo rất nhiều trong tài liệu về an toàn và các chương trình đào tạo về khai thác mỏ hầm lò. Mùa mưa, nguy cơ bục nước là cao nhất.

"Trong cấu tạo địa chất ở vùng núi đá khi xuống sâu đều có cátx-tơ tự nhiên là những khoảng không đã được đất vùi, khi có nước sẽ tạo thành bùn nhão; hoặc địa hình đất đá không ổn định, kết cấu dễ bị sụt lún, sập", TS Nguyễn Anh Thơ nói.

Do vậy theo TS Thơ, đối với đơn vị khai thác than, khi bước vào mùa mưa bão đều phải có những đánh giá về điều kiện hiện trạng, rà soát lại hồ sơ, thăm dò vị trí và tuyến khai thác... Từ đó nhận diện nguy cơ mất an toàn để đưa ra các biện pháp cảnh báo, chống đỡ tương ứng. Trong quy chuẩn đều yêu cầu phải có kế hoạch, dự báo, đánh giá và cảnh báo rủi ro từ sớm. Khi gặp những trận mưa lớn, hoặc gặp những hiện tượng bất thường trong quá trình khai thác thì ngay lập tức các biện pháp an toàn phải được thực thi, chỉ đạo, từ bộ phận kỹ thuật, quản lý, lãnh đạo và phân xưởng, tổ đội đến từng công nhân. Có nguy cơ mất an toàn là phải dừng công việc khai thác.

Hiểm họa trong khai thác hầm lò

1. Hiểm họa cháy nổ khí mê tan: Nổ khí mê tan và nổ bụi than là một trong những mối hiểm họa nguy hiểm nhất trong ngành công nghiệp khai thác mỏ.

2. Áp lực mỏ và hiểm họa sập lò: Khi bạn đào một đường lò thì đất đá xung quanh đường lò gây sức nén vào khoảng trống bạn vừa đào, nếu bạn không kịp thời chống giữ thì nó có thể sập xuống từ nóc, lở ra từ hông lò hay đẩy từ phía nền lò lên.

3. Hiểm họa nước mỏ: Ít có mỏ than hầm lò nào mà lại không phải đối phó với hiểm họa nước mỏ. Hiểm họa nước mỏ trước hết là các sự cố bục nước gây ngập mỏ, gây sập lò làm chết người.

4. Hiểm họa cháy mỏ: Cháy mỏ là một hiểm họa khủng khiếp chẳng kém gì nổ khí mê tan hay bục nước trong hầm lò. Cháy mỏ có thể xảy ra từ nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh. Nội sinh tức là không cần có lửa mà nó vẫn tự cháy được, còn ngoại sinh thì phải có nguồn lửa mới gây được cháy trong điều kiện thích hợp. Có một số loại than có tính tự cháy.

5. Hiểm họa nổ bụi than: Nổ bụi than là vụ nổ của hỗn hợp bụi than với không khí mỏ. Nếu trong mỏ mà có khí nổ (mê tan) thì vụ nổ bụi than với mêtan càng kinh khủng. Đó là vụ nổ mang tính dây chuyền có thể lan ra khắp cả mỏ gây ra thảm họa khốc liệt.

Nguyên tắc cơ bản phòng ngừa rủi ro bục nước

TS Bùi Mạnh Tùng, Phó Trưởng bộ môn Khai thác hầm lò, Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, những hiểm họa chủ quan và khách quan xảy ra trong hoạt động khai thác hầm lò không chỉ do một nguyên nhân nào đó mà có nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nổ khí mê tan và nổ bụi than, bục nước và lụt mỏ, sập đổ đất đá ở đường lò và sập đổ than ở lò chợ, cháy mỏ…

Đặc biệt trong thời gian gần đây thì do độ sâu khai thác tăng lên, dẫn đến công tác điều khiển áp lực mỏ gặp nhiều khó khăn nên sự cố về cháy nổ khí và sập lò cũng tăng lên. Trước những hiểm họa tai nạn trong khai thác hầm lò, ngành than cần triển khai một giải pháp tổng thể, từ công tác lập quy hoạch đến công tác đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời quan tâm, đầu tư toàn diện cho công tác an toàn.

Đối với người lao động, cần chú ý tuân thủ các quy định về an toàn lao động để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình. Trong trường hợp phát hiện chủ sử dụng lao động chưa thực hiện quy trình đảm bảo an toàn lao động, cần thiết phải cử đại diện công đoàn yêu cầu phía chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi đối với người lao động.

Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu về các công nghệ khai thác an toàn hầm lò. TS Đào Văn Chi, Khoa Mỏ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, nguyên tắc cơ bản xác định khả năng khai thác an toàn tránh nguy cơ bục nước vào lò là công tác khai thác cần được tiến hành ở một độ sâu nhất định đảm bảo sao cho vùng biến dạng uốn võng cùng với hệ thống khe nứt tạo thành trong các tập lớp đá mỏ nằm trên khu vực khai thác không lan truyền tới đáy của đối tượng chứa nước.

Những giải pháp công nghệ thường được áp dụng là công nghệ khai thác có điều khiển đá vách bằng chèn lò trong hệ thống khai thác cột dài theo phương; Công nghệ khai thác gương lò ngắn để lại các trụ than bảo vệ giữa các lò khai thác; Công nghệ khai thác cột dài theo phương với lựa chọn chiều dày khai thác hợp lý...

Theo Quy chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò năm 2011, để đảm bảo không bị nước thẩm thấu nước trực tiếp từ bề mặt xuống khu vực đang khấu than thì chiều cao bảo vệ theo đường vuông góc tối thiểu phải bằng 40 lần chiều cao khấu.

Bên cạnh việc khai thác, công tác phòng tránh sự cố luôn đồng hành đảm bảo an toàn. Giải pháp xây dựng tường chắn dự phòng và hệ thống hố thu nước ở chân lò sẽ hạn chế được lượng nước chảy tràn trên đường lò gây ách tắc sản xuất đồng thời thoát nước dễ dàng hơn qua hệ thống máy bơm.

Ngoài ra, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của bộ, ngành, các địa phương, những người đứng đầu phải có sự quán xuyến, tăng cường kiểm tra, giám sát, thậm chí là xử phạt. Nếu có vi phạm nghiêm trọng nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người lao động thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cong-nghe-nao-giam-thieu-tai-nan-ham-lo-169240731110131038.htm