Công nghệ ngụy trang ảnh ảo 3 chiều bằng plasma của Hải quân Mỹ
Nhằm nâng cao cơ hội sống sót và đánh lạc hướng kẻ địch, Hải quân Mỹ sử dụng tia laser để tạo ra ảnh ảo đánh lừa tên lửa của đối phương.
Công nghệ mồi nhử kiểu mới
Theo nguyên lí hoạt động, khi phát hiện một tên lửa đang đến gần, hệ thống laser lắp đặt trên đuôi máy bay sẽ phát ra các tín hiệu hồng ngoại và quang học mang những đặc điểm về ngoại hình và các thông số mô phỏng một máy bay chiến đấu thật đang di chuyển.
Hệ thống có thể phóng ra nhiều ảo ảnh máy bay để đánh lạc hướng tên lửa đang lao tới. Những mồi nhử này có thể đánh lừa tên lửa tầm nhiệt của đối phương các vụ nổ plasma. Công nghệ ngụy trang sẽ “vẽ” các vật thể trên bầu trời theo nghĩa đen, hay nói cách khác, chúng có thể tạo ra các vật thể bay không xác định (UFO) trên bầu trời gây bối rối cho kẻ địch.
Máy bay chiến đấu phản lực của không quân có thể sử dụng công nghệ phòng thủ này để tạo ra hình ảnh ảo trên bầu trời bắt chước các tín hiệu tầm nhiệt từ hệ thống khí thải máy bay. Các nhà nghiên cứu gọi chúng là "các sợi plasma laser cảm ứng", có thể được chiếu trong khoảng cách lên đến hàng trăm mét, tùy thuộc vào bước sóng ánh sáng mà hệ thống laser sử dụng.
Bên cạnh đó, tùy điều kiện không khí, uy lực và thông số của tia laser, một mục tiêu giả như vậy cũng có thể sẽ tạo ra phản xạ radar giả.
Hệ thống này có thể được triển khai nhanh chóng, có thể tái sử dụng trong suốt quá trình làm nhiệm vụ và duy trì ở độ cao theo mong muốn. Phương pháp này đang được nghiên cứu để mở rộng phạm vi sử dụng cho nhiều mục đích phòng thủ khác ngoài việc nguy trang máy bay.
Công nghệ ngụy trang bằng plasma tạo ra nguồn nhiệt làm chệch hướng tên lửa tầm nhiệt của đối phương, cho phép tạo ra các “bóng ma” trên bầu trời với các đặc điểm hình ảnh, nhiệt và hiển thị radar của các mục tiêu thực. Điều đó cho thấy chúng có thể đánh lừa không chỉ vũ khí tên lửa mà còn cả hệ thống quan sát, trinh thám của đối phương.
Bên cạnh đó, tia laser cũng có thể nhanh chóng điều chỉnh plasma để phù hợp với bức xạ hồng ngoại do máy bay mục tiêu phát ra, khiến kẻ thù càng thêm bối rối.
Khả năng ứng dụng cao
Quân đội Mỹ dự định sử dụng loại công nghệ này để đối phó với các cuộc không kích bằng máy bay tàng hình hoặc tên lửa từ phía kẻ thù. Công nghệ mồi nhử plasma của lực lượng hải quân Mỹ là kết quả của nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, và hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm và triển khai.
Ngoài ra, các kĩ sư đang nghiên cứu khả năng áp dụng công nghệ này cho các tàu sân bay và nhiều loại hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm cả tàu chiến. Trong tương lai, chiến thuật ngụy trang này có nhiều tiềm năng trở thành một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa, các phi đội bay của lực lượng hải quân và các nhóm tàu tấn công hộ tống tàu sân bay.
Hải quân Mỹ đã phát triển, cấp bằng sáng chế và là đồng chủ sở hữu bản quyền của công nghệ với chính phủ Mỹ.
Một luồng laser cường độ đủ mạnh có thể tạo ra một chùm plasma phát sáng, hay còn gọi là vụ nổ plasma đồng loạt để tạo ra hiệu ứng gây lóa mắt như lựu đạn gây choáng. Năm 2011, công ty Burton Inc của Nhật đã trình diễn bản mô tả sơ bộ bằng hình ảnh 3D chuyển động giữa không trung với một loạt các chấm plasma phát nổ một cách bất ngờ.
Một cách tiếp cận phức tạp hơn là sử dụng xung laser cường độ cao và cực ngắn để tạo ra một đường dẫn kích hoạt vụ nổ plasma. Hiệu ứng được phát hiện vào những năm 1990 với tên gọi là các sợi plasma cảm ứng bằng laser (LIPF). Chúng có thể hình thành ở một khoảng cách hệ thống bắn lazer hàng chục hoặc hàng trăm mét.
Bởi vì LIPF dẫn điện, chúng đang được nghiên cứu như một phương tiện kích hoạt tia sét hoặc tạo ra súng bắn sét.
Hệ thống mồi nhử bằng laser của Hải quân Mỹ được xây dựng dựa trên nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực laser-plasma nhằm tiến đến một chiến thuật phòng thủ và ngụy trang mang tính đột phá trong việc bảo vệ máy bay khỏi các tên lửa tầm nhiệt.