Công nghệ phổ biến của Mỹ khiến Trung Quốc mất 50 năm cố phát triển vẫn không thành công, tự xây dựng hơn 20 sản phẩm nhưng chưa chiếm nổi 1% thị phần nội địa

Trong khi Mỹ ngậm ngùi nhìn xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc bành trướng thì một công nghệ khác lại đang khiến cường quốc Châu Á phải cúi đầu với giấc mơ 50 năm chưa thực hiện được.

Tờ Financial Times (FT) cho biết chính phủ Trung Quốc vào tháng 3/2024 đã ban hành một văn bản hướng dẫn yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước loại bỏ việc sử dụng các thiết bị có dùng chip của Intel, AMD hoặc hệ điều hành Windows của Microsoft.

Tuy nhiên trong khi việc thay thế thiết bị dùng chip của nước ngoài là khá dễ dàng thì việc từ bỏ hệ điều hành Windows lại chẳng đơn giản như vậy. Tờ Rest of World (RoW) thậm chí khẳng định sản phẩm nhà Microsoft này là không thể thay thế trên thị trường Trung Quốc bất chấp nền kinh tế này đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ.

Thật vậy, Trung Quốc đã cố gắng phát triển hệ điều hành của riêng mình từ cuối thập niên 1970 nhưng cho đến nay, Windows vẫn là sản phẩm được dùng phổ biến rộng rãi nhất trên cả nước với 80% thị phần.

Thất bại mang tên Windows

Vào tháng 5/2024, Microsoft chi nhánh Trung Quốc đã tuyên bố hợp tác với tập đoàn Tencent để xây dựng nền tảng Android dành riêng cho hãng Trung Quốc này dựa trên hệ điều hành Windows.

Xin được nhắc rằng Tencent nổi tiếng với phần mềm chat WeChat, tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến đang thống trị thị trường Trung Quốc, đi kèm với vô số những tính năng như gọi xe, đặt đồ ăn, mua hàng khác.

Siêu ứng dụng này thậm chí là mô hình mà Elon Musk từng hướng tới khi mua lại Twitter-X với tham vọng gây dựng một sản phẩm tương tự tại Mỹ.

Ngoài ra Tencent cũng là một trong những tập đoàn phát triển trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, đồng thời là công ty mẹ của dịch vụ âm nhạc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc QQ Music.

Điều trớ trêu hơn nữa là chính Tencent mới là doanh nghiệp tìm đến Microsoft để phát triển dự án mới trên, bất chấp quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung trong ngành công nghệ lên cao.

Theo RoW, thị phần của Windows tại Trung Quốc đã lên đến 80% và chủ yếu dùng cho văn phòng, công nghiệp. Bởi vậy việc chính quyền Bắc Kinh cố gắng loại bỏ hệ điều hành nhà Microsoft khỏi cơ quan hành chính công hầu như chẳng tác động mấy đến hãng.

Trên thế giới, thị phần của Windows vào khoảng 74% trong khi MacOD của Apple chiếm khoảng 15%. Ngoài ra hệ điều hành Linux, vốn là nền tảng cho nhiều hệ điều hành nội địa của Trung Quốc phát triển, cũng chỉ chiếm phần nhỏ còn lại.

Thậm chí sức mạnh của Microsoft lớn đến nỗi không có nhiều tập đoàn tại Trung Quốc muốn thách thức vị thế của hãng này trong mảng hệ điều hành. Do quá chú ý đến mảng điện thoại, thương mại điện tử nên các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc không muốn tốn chi phí đầu tư để đối đầu với một ông lớn Phương Tây.

Nói đơn giản hơn, nếu bạn sản xuất một sản phẩm cho máy tính ở Trung Quốc thì tốt nhất nó phải thích nghi được với hệ điều hành Windows.

Tờ RoW nhận định đây là một sự thất bại nho nhỏ với Trung Quốc khi vẫn phải phụ thuộc vào một công nghệ phổ biến của Phương Tây suốt 50 năm qua.

Hệ điều hành Windows chiếm phần lớn thị phần Trung Quốc

Hệ điều hành Windows chiếm phần lớn thị phần Trung Quốc

Chưa đến 1%

"Thị trường hệ điều hành của chúng ta đang bị thống trị bởi các tập đoàn Mỹ như Microsoft, Google và Apple. Để tránh tình trạng bị bắt chẹt, việc phát triển một hệ điều hành nội địa là điều bắt buộc", hãng thông tấn nhà nước Xinhua News Agency cho hay.

Năm 2023, chính quyền Bắc Kinh đã cho ra mắt mã nguồn mở hệ điều hành mang tên OpenKylin nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm nội địa thay vì phụ thuộc vào Windows. Thế nhưng cho đến hiện tại, mã nguồn mở này không nổi tiếng và chỉ phổ biến ngang Linux, trong khi hệ điều hành Windows vẫn là thứ không thể thay thế trong xã hội Trung Quốc.

Thậm chí khi nước này cấm các cơ quan chính phủ dùng thiết bị có chip nước ngoài và hệ điều hành Windows thì theo FT, một số cơ quan vẫn được đặc cách sử dụng sản phẩm của Microsoft vì tính không thể thay thế của chúng.

"Sản phẩm nội địa chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường hệ điều hành cho máy tính và điện thoại tại Trung Quốc", báo cáo của hãng Dongxing Securities nêu rõ.

Điều này được đánh giá tương tự như mảng xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Dù Mỹ gia tăng hàng rào thuế quan và nhiều lệnh cấm với 2 sản phẩm này nhưng Washington hiểu rất rõ rằng nếu không tốn hàng thập niên và hàng nghìn tỷ USD thì khó có thể so găng được với Trung Quốc.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với Windows của Microsoft tại Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh hiểu rất rõ mối nguy hiểm tiềm tàng của sản phẩm này nhất là từ sau năm 2013 khi Edward Snowden, cựu đặc vụ của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), không bao giờ dùng thiết bị có hệ điều hành Windows khi phản bội và tiết lộ thông tin mật.

Năm 2017, mối lo về hiểm họa tiết lộ thông tin của hệ điều hành Windows đã buộc chính quyền Bắc Kinh yêu cầu Microsoft phải hợp tác với một công ty quốc doanh, qua đó tiết lộ công nghệ để thiết kế hệ điều hành "Windows 10 CMIT" dành riêng cho chính phủ.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, các kỹ sư Trung Quốc khó có thể kiểm tra toàn diện mã code Windows 10 CMIT vì độ phức tạp của sản phẩm.

50 năm một ước mơ

Trên thực tế không riêng gì Trung Quốc, hàng loạt quốc gia từ Nga, Đức cho đến Hàn Quốc đều đã cố gắng phát triển hệ điều hành của riêng mình nhưng cho đến nay đều chưa thể thành công thay thế được Windows.

Tại Trung Quốc, nỗ lực xây dựng hệ điều hành riêng đã bắt đầu từ cuối thập niên 1970 theo hướng hệ điều hành Unix. Dự án này chính thức trở thành nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch 5 năm vào năm 1992 của Trung Quốc.

Thế nhưng đã 30 năm trôi qua và dự án này hầu như chưa có thành công gì nổi trội.

Hệ điều hành OpenKylin do Trung Quốc tự phát triển

Hệ điều hành OpenKylin do Trung Quốc tự phát triển

Trung Quốc đã xây dựng được hơn 20 hệ điều hành trong nhiều năm qua, một số được dùng cho quân đội và chính phủ, nhưng hầu hết đều không gây được tiếng vang trên thị trường tiêu dùng.

Nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở việc Trung Quốc không có một hệ sinh thái phát triển hệ điều hành, khiến nhiều nhà phát triển từ chối vận hành trên hệ điều hành nội địa mới. Các doanh nghiệp không muốn tốn thêm chi phí phát triển sản phẩm tương thích với một hệ điều hành ngoài Windows trong khi chúng không phổ biến trên thị trường.

Hậu quả là sản phẩm mới ra đời không được thử nghiệm và sử dụng rộng rãi, không được cập nhật vá các lỗi ẩn và không được nhiều người tin dùng, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Thậm chí Tổng giám đốc LiuXinhuan của Tongxin Software Technology còn cho rằng Trung Quốc có thể phải mất tới 10 năm mới có thể phát triển một hệ thống sinh thái hệ điều hành đủ lớn để cạnh tranh nổi với Mỹ.

Băng Băng

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/cong-nghe-pho-bien-cua-my-khien-trung-quoc-mat-50-nam-co-phat-trien-van-khong-thanh-cong-tu-xay-dung-hon-20-san-pham-nhung-chua-chiem-noi-1-thi-phan-noi-dia-77155.html