Công nghệ quân sự khiến chi tiêu quốc phòng của Mỹ cao chót vót

Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về chi tiêu quốc phòng và ngoài yêu cầu các loại vũ khí tối tân, tinh vi, thỏa mãn mong muốn bá chủ thế giới, còn những nguyên nhân khác khiến người Mỹ nhiều năm qua không thể cắt giảm ngân sách mua sắm vũ khí. Công ty TransDigm bán phụ tùng thay thế cho máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định, và một trong những sản phẩm của họ là mảnh kim loại dài 1,3cm được gọi là chốt hãm.

Mẩu thép giá hơn 100 triệu đồng

Vài năm trước, quân đội Mỹ cần một số chốt hãm và họ đã ký hợp đồng với TransDigm. Nhưng năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại thỏa thuận và nhận thấy TransDigm áp giá 4.361 USD cho một cái chốt hãm, trong khi Lầu Năm Góc cho rằng lẽ ra chỉ nên ở mức 46 USD. TransDigm phản đối cách tính của Lầu Năm Góc, nói rằng mức giá mà họ đưa ra đối với loại linh kiện tương đối chuyên biệt này là hợp lý.

Nhưng đó là suy nghĩ của TransDigm. Nhiều người đóng thuế hay quan chức Mỹ cảm thấy rất khó nuốt trôi cái giá 4.361 USD, quy ra tiền Việt là hơn 100 triệu đồng cho một mẩu thép chưa đến 1,5 cm.

Một lính Mỹ bắn tên lửa chống tăng vác vai. Ảnh: Atlantic Council.

Một lính Mỹ bắn tên lửa chống tăng vác vai. Ảnh: Atlantic Council.

Ông Phil McManus từng làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ, chịu trách nhiệm đàm phán với các nhà thầu quốc phòng, nói với đài NPR rằng câu chuyện chốt hãm này là một ví dụ về việc chính phủ Mỹ phải trả quá nhiều tiền để mua sắm linh kiện, thiết bị quân sự, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất.

Mỹ đang thực hiện nhiều đợt viện trợ vũ khí cho Ukraine, Israel. Ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị được chi trong năm 2024 là 842 tỷ USD, tương đương 3,5% GDP. Ngân sách quốc phòng Mỹ luôn đứng đầu thế giới, bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Trung Quốc.

Năm 2023, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 2.443 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Trong 10 nước chi tiêu lớn nhất trong năm 2023, Mỹ dẫn đầu, xếp sau là Trung Quốc và Nga.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), năm 2023, ngân sách quốc phòng của Mỹ là 916 tỉ USD, kế đến là Trung Quốc với 296 tỉ USD, Nga với 109 tỷ USD. Mỹ chiếm 37% tổng ngân sách quân sự toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc là 12% và Nga là 4,5%.

Phil McManus nói khoảng một nửa số tiền mua sắm của quân đội Mỹ được chi cho những thứ có thể không liên quan trực tiếp đến chiến trường, chẳng hạn như đồ dùng văn phòng. Nhưng nửa ngân sách còn lại được chi cho những thứ lớn - tên lửa, máy bay, tàu chiến. Về mặt kinh tế, chính phủ Mỹ có quyền độc quyền mua vì về cơ bản đây là khách hàng duy nhất của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và điều đó mang lại cho họ lợi thế trong thương lượng khi mua những mặt hàng có giá trị lớn này. Chính phủ có thể nói với các nhà thầu rằng, “trước khi chúng tôi đồng ý về giá của chiếc máy bay hay con tàu này hay bất cứ thứ gì, chúng tôi muốn các anh mở sổ sách ra. Hãy cho chúng tôi biết anh tốn bao nhiêu tiền để làm ra thứ này”.

John Hamre, cựu giám đốc tài chính của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói chỉ sau khi chi phí sản xuất một hạng mục đã được xác định, chính phủ mới đàm phán với nhà thầu về giá cả, và tỷ lệ lợi nhuận thường được áp ở mức dưới 15%.

Nhưng mặc dù chính phủ là khách hàng có quyền áp đặt luật chơi, các nhà thầu quốc phòng, các hãng chế tạo vũ khí cũng có quyền lực riêng của họ. Đó là bởi vì thường chỉ có một hoặc hai công ty có thể chế tạo chiến đấu cơ, tên lửa và tàu ngầm. Nói cách khác, họ có quyền lực độc quyền.

Các nhà quan sát nói, chính chính phủ Mỹ đã tạo ra thế độc quyền của các hãng vũ khí trong nước. Bốn thập kỷ sau Thế chiến II, Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Cả hai bên đều đổ tiền cho quân đội. Giữa những năm 1980, khi John Hamre bắt đầu làm việc cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện, chính phủ Mỹ khi đó vẫn mua rất nhiều thiết bị quân sự.

“Có năm chúng tôi mua hơn 900 máy bay chiến đấu, 27 tàu chiến, 3.000 xe chiến đấu”, ông Hamre nói.

Nhưng đến đầu những năm 1990, Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh về cơ bản kết thúc. Khi đó, ngân sách quân sự, quy mô quân đội Mỹ rất lớn và trở nên không cần thiết khi Liên Xô không còn. Chính phủ Mỹ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ cắt giảm chi tiêu quân sự, nhiều công ty quốc phòng có thể phá sản. Việc này dẫn đến một sự kiện đã định hình lại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Nhà cố vấn công nghiệp quốc phòng Doug Berenson cho biết cuộc họp này do William Perry, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời điểm đó, tổ chức.

Năm 1993, ông Perry đã tập hợp một nhóm các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng và nói với họ rằng chính phủ Mỹ sắp cắt giảm ngân sách ở mức đáng kể. Sẽ không có nhiều chương trình quốc phòng mới được triển khai. Rất nhiều công ty sẽ phải rời khỏi thị trường hoặc chịu sáp nhập. Vì vậy, với sự ủng hộ của chính phủ, các nhà thầu quốc phòng bắt đầu sáp nhập và mua lại công ty của nhau.

Và chẳng bao lâu sau, khoảng 50 công ty sáp nhập, hình thành 5 nhà thầu quốc phòng lớn nhất hiện nay bao gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics.

Theo quan điểm của chính phủ Mỹ, việc sáp nhập sẽ giúp các công ty quốc phòng hoạt động hiệu quả hơn, mang lại cho họ lợi thế về quy mô, nhờ đó giảm giá thành và cuối cùng là giảm giá bán sản phẩm cho chính phủ. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như dự kiến.

Thứ nhất, ít cạnh tranh hơn có nghĩa là các hãng vũ khí có nhiều quyền định giá hơn. Ví dụ, theo một chương trình trên đài CBS thực hiện năm 2023, những tên lửa vác vai cách đây khoảng ba thập kỷ có giá 25.000 USD mỗi quả, nay được chuyển tới Ukraine với chi phí khoảng 400.000 USD mỗi quả. Và nhà cung cấp duy nhất là RTX, trước đây gọi là Raytheon.

Nhà báo Darian Woods của đài NPR cho hay, mỗi khi có thể, ví dụ khi mời thầu chế tạo một hệ thống vũ khí mới nào đó, chính phủ Mỹ sẽ cố gắng kêu gọi nhiều hồ sơ dự thầu để giành được lợi ích khi các công ty cạnh tranh với nhau. Nhưng Doug Berenson nói lợi ích đó sẽ bốc hơi một khi chính phủ chọn xong nhà thầu.

“Một khi bạn chọn được một nhà thầu, nhà thầu đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với bạn”, ông Berenson nói. Theo ông, ví dụ điển hình là dự án tiêm kích tàng hình F-35, chậm tiến độ hơn một thập kỷ và tiền chi ra đã vượt quá ngân sách ban đầu hơn 180 tỷ USD. Nhưng chính phủ, sau khi dành toàn bộ thời gian và tiền bạc, xây dựng chiến lược quân sự xung quanh chiếc máy bay chiến đấu này, không thể từ bỏ nó.

Sự tập trung thị trường và thiếu cạnh tranh không phải là những yếu tố duy nhất thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của chính phủ Mỹ cao. Các chuyên gia mà NPR phỏng vấn đều nói đến việc vận động hành lang của ngành công nghiệp quốc phòng. Các nghị sĩ muốn duy trì các dự án quân sự lỗi thời để bảo vệ việc làm, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ không hiện đại hóa cách thức mua sắm.

Và có một thực tế là chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ luôn muốn xây dựng một quân đội quy mô lớn. Theo ông Berenson, đó là loại sức mạnh quân sự mà Mỹ có thể điều động, duy trì và triển khai trên khắp thế giới, không quốc gia nào khác trên Trái đất có thể so sánh. “Nhưng việc này cực kỳ tốn kém”, ông Berenson nhận định.

Tiêm kích F-35 của quân đội Mỹ, do hãng Lockheed Martin chế tạo.

Tiêm kích F-35 của quân đội Mỹ, do hãng Lockheed Martin chế tạo.

Hệ thống mua sắm “có vấn đề”?

Một bài báo trên tạp chí Forbes nhận định: “Nếu có điều gì đó mà mọi người ở thủ đô Washington có thể đồng ý thì đó là hệ thống mua vũ khí của Lầu Năm Góc có vấn đề”. Tổng thống nào lên cũng cam kết “cải cách chi tiêu quốc phòng”. Các khóa Thượng viện và Hạ viện đều thông qua luật mới nhằm khắc phục tình trạng bội chi, chậm tiến độ và thiếu hụt hiệu suất trong các dự án quốc phòng. Các quan chức thường khoe ra những khoản tiết kiệm lớn, tuy nhiên hệ thống mua sắm quốc phòng dường như không bao giờ được sửa chữa, mặc dù thực tế là các vị trí mua sắm hàng đầu tại Lầu Năm Góc đều được giao cho những bộ óc giỏi nhất mà nước Mỹ có, theo bình luận của Forbes.

Khi mô hình đó tồn tại nhiều thế hệ, hàng tỷ đô la được chi mỗi năm cho một vấn đề trong nhiều thập kỷ mà không có sự cải thiện đáng kể, người ta bắt đầu nghi ngờ rằng các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách không nắm bắt được bản chất thực sự của vấn đề. “Suy cho cùng, đây là chính phủ đã đưa con người lên Mặt trăng trong vòng một trăm tháng sau khi đặt mục tiêu, đã chế tạo ra chiếc máy tính kỹ thuật số đầu tiên, phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên và phát minh ra Internet. Vì vậy, nếu Mỹ không thể giải quyết được vấn đề chi phí vũ khí cao, có thể có những lý do vượt quá khả năng quản lý đơn thuần”, Loren Thompson, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Lexington nhận định.

Theo ông này, nguyên nhân chính khiến chi phí vũ khí của quân đội Mỹ tăng cao ít liên quan đến việc quản lý yếu kém, tham nhũng hoặc tỷ suất lợi nhuận của các nhà thầu quân sự. Hệ thống thu thập thông tin của Lầu Năm Góc ngày nay được quản lý tốt hơn bao giờ hết. Lợi nhuận của ngành công nghiệp quốc phòng kém hơn nhiều lĩnh vực kinh tế khác. “Những lý do thực sự khiến vũ khí Mỹ có giá cao chủ yếu bắt nguồn từ chiến lược quốc gia, các mối đe dọa toàn cầu, chính trị bầu cử và sự giám sát phản tác dụng”, học giả Thompson nhận định.

Theo ông, lý do thứ nhất là chiến lược. Mỹ là quốc gia duy nhất trong lịch sử tự nhận trách nhiệm chống lại “các mối đe dọa đối với hòa bình” ở bất kỳ đâu trên thế giới, bất kể các mối đe dọa xuất hiện ở đâu và tính chất ra sao. Điều này đặt ra yêu cầu vũ khí của họ phải cực kỳ linh hoạt, bền bỉ, cơ động và có khả năng nhận biết - những vũ khí có khả năng đối phó với mọi cuộc xung đột. Điều đó đòi hỏi vũ khí Mỹ phải có các thông số hiệu suất không quốc gia nào khác thấy cần thiết. Do vậy, người Mỹ - với 5% dân số thế giới - chi tiêu cho công nghệ quân sự tiên tiến bằng phần còn lại của thế giới cộng lại.

Lý do thứ hai là các mối đe dọa. Cuộc cách mạng thông tin khiến Mỹ phải chuẩn bị để đánh bại các loại kẻ thù ngày càng đa dạng trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian mạng. Tuy nhiên, điều thực sự đẩy giá vũ khí lên cao là tốc độ thay đổi nhanh chóng của các mối đe dọa trong thời đại hiện nay - không giống như thời Chiến tranh Lạnh. Lầu Năm Góc bắt đầu thiên niên kỷ mới với việc chuyển đổi lực lượng của mình cho chiến tranh thời đại thông tin và sau đó phát hiện ra rằng thay vào đó họ đang phải đối mặt với những kẻ đánh bom liều chết. Do đó, quân đội Mỹ buộc phải liên tục xem xét lại tính năng của các hệ thống chiến đấu mới, thực hiện sửa đổi các loại vũ khí mà họ đã có. Những thay đổi này tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la, nhưng ai biết được Trung Quốc sẽ phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm cơ động hay phiến quân nổi dậy sẽ đạt được nhiều lợi ích từ các thiết bị nổ tự chế?

Một nguyên nhân khác, theo chuyên gia Thompson là chính trị nước Mỹ. Khách hàng chính mua vũ khí là một hệ thống chính trị trong đó các chính trị gia tập trung trước hết vào việc đảm bảo việc tái tranh cử của chính mình. Đó là cách hệ thống chính trị Mỹ vận hành. Giới chính trị gia bận tâm đến việc bảo toàn quyền lực hơn là theo đuổi tính hiệu quả. Vì vậy, trong khi các nhà lập pháp không ngừng nói về việc sửa chữa hệ thống mua sắm có vấn đề của Lầu Năm Góc, trên thực tế, họ liên tục đưa ra những hạn chế khiến việc cải thiện hệ thống mua sắm trở nên khó khăn, nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các khu vực bầu cử quan trọng. Đó có thể là các công ty, nhà thầu vũ khí địa phương. Các khoản chi phí tăng thêm, các cơ chế mới được thêm vào hệ thống có thể đem lại lợi ích cho cả nhà thầu sản xuất vũ khí và các quan chức thực thi việc giám sát.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cong-nghe-quan-su-khien-chi-tieu-quoc-phong-cua-my-cao-chot-vot-i732676/