Xuất khẩu vũ khí của Đức sẽ đạt kỷ lục mới do chiến sự Ukraine
Xung đột Nga - Ukraine và doanh số bán hàng tới Ả Rập Xê Út tăng đã giúp xuất khẩu vũ khí của Đức đạt 7,48 tỷ euro trong nửa đầu năm 2024.
Xuất khẩu vũ khí từ Đức đã tăng 30% trong sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Kinh tế nước này công bố hôm Chủ nhật (30/6) cho thấy.
Từ ngày 1/1 đến ngày 18/6, Chính phủ Đức đã phê duyệt tổng xuất khẩu vũ khí trị giá ít nhất 7,48 tỷ euro (8,01 tỷ USD).
Đến ngày 18/6, xuất khẩu vũ khí đã đạt 60% tổng số năm 2023. Nếu xu hướng này tiếp tục trong phần còn lại của năm, tổng giá trị của doanh số bán vũ khí của Đức sẽ đạt mức kỷ lục mới.
Xuất khẩu vũ khí của Đức trong cả năm ngoái đạt mức cao nhất mọi thời đại là 12,2 tỷ euro, chủ yếu do cam kết với Ukraine để phòng thủ chống lại Nga.
Khoảng 6,44 tỷ euro giấy phép xuất khẩu được cấp năm ngoái là vũ khí chiến tranh và 5,76 tỷ euro cho các thiết bị quân sự khác, bao gồm cả xe bọc thép.
Sự gia tăng xuất khẩu này đến mặc dù liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz hứa hẹn hạn chế giao hàng vũ khí khi nhậm chức vào tháng 12 năm 2021, đặc biệt là với các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu và NATO.
Gần hai phần ba số xuất khẩu trong nửa đầu năm đã được chuyển đến Ukraine, dữ liệu cho thấy. Tổng xuất khẩu vũ khí của Đức tới quốc gia này đạt mức kỷ lục 4,88 tỷ euro trong nửa đầu năm.
Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, Berlin đã phê duyệt các đợt giao hàng vũ khí tới Kiev trị giá 2,24 tỷ euro, bao gồm các hệ thống phòng không và pháo hạng nặng.
Năm ngoái, giấy phép xuất khẩu tới Ukraine đã tăng lên 4,4 tỷ euro, với cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2. Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ.
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Đức đã cam kết 10,2 tỷ euro viện trợ quân sự cho Kiev, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel), mặc dù không phải tất cả đều dưới dạng xuất khẩu vũ khí.
Bốn quốc gia khác trong top 5 các nước nhận vũ khí của Đức là Singapore (1,21 tỷ euro), Ấn Độ (153,75 triệu euro), Ả Rập Xê Út (132,48 triệu euro) và Qatar (100 triệu euro).
Riyadh trở lại top 5 sau khi Berlin nới lỏng các hạn chế về xuất khẩu vũ khí tới Vương quốc vùng Vịnh này vào tháng 7 năm ngoái.
Đức đã ngừng bán vũ khí cho quốc gia giàu dầu mỏ này sau vụ sát hại nhà báo Saudi Jamal Khashoggi năm 2018, người bị sát hại bên trong lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul.
Một lý do khác được viện dẫn cho các hạn chế xuất khẩu là sự tham gia của Ả Rập Xê Út trong cuộc nội chiến ở Yemen. Riyadh sau đó đã giảm bớt các hành động thù địch với nước láng giềng.
Dữ liệu của Bộ kinh tế Đức được công khai sau yêu cầu của nghị sĩ Sevim Dagdelen, người lên án việc tăng xuất khẩu vũ khí tới "các khu vực chiến tranh và khủng hoảng" là "vô trách nhiệm".
Tuần trước, nghị sĩ Sahra Wagenknecht cảnh báo Hạ viện Đức rằng chính sách xuất khẩu vũ khí của liên minh có thể "dẫn chúng ta, từng bước, vào một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu".
Cao Phong (theo DW)