Công nghệ quốc phòng có giúp bù đắp được tỷ lệ sinh giảm?

Tỷ lệ sinh giảm mạnh ở các quốc gia Đông Á đã đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì thứ hạng của các cường quốc quân sự trong khu vực trong những năm tới.

Điều chỉnh các tiêu chuẩn tuyển quân

Tỷ lệ sinh giảm đã thúc đẩy Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc điều chỉnh các tiêu chuẩn tuyển quân, bất chấp nguồn tài trợ tăng đáng kể và các sáng kiến chính sách nhằm đảo ngược xu hướng này. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, công nghệ quốc phòng sẽ làm giảm bớt sự thay đổi về nhân khẩu học. Khu vực Đông Á có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, với Trung Quốc là 1,0, Nhật Bản là 1,2 và Hàn Quốc là 0,72 trẻ em trên một phụ nữ. Nhật Bản cũng là một xã hội “siêu già”, theo sau là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hàn Quốc quy định 18 tháng nghĩa vụ quân sự đối với những nam giới khỏe mạnh, duy trì lực lượng tại ngũ khoảng nửa triệu binh sĩ. Nhưng xét đến tỷ lệ sinh sản thấp nhất thế giới, một số chuyên gia cho rằng điều này có thể gây ra vấn đề lâu dài. Choi Byung-ook, Giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Sangmyung, nói với CNN: “Tương lai đã được định trước. Việc giảm quy mô lực lượng là điều không thể tránh khỏi”. Chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc xuống còn 18 tháng và gần đây đã có những cuộc tranh luận về khả năng mở rộng nghĩa vụ quân sự đối với phụ nữ.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang vật lộn với tỷ lệ sinh giảm.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang vật lộn với tỷ lệ sinh giảm.

Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh hàng đầu Đài Loan, Trung Quốc dự đoán thời gian phục vụ quân sự có thể giảm hơn nữa “để cho phép những người trẻ tuổi quay trở lại xã hội và tham gia thị trường lao động sớm hơn”. Su nói với Newsweek: “Tác động của già hóa dân số được thể hiện theo những cách khác nhau ở ba quốc gia này”. Ở Trung Quốc, tác động nghiêm trọng nhất sẽ là một thảm họa kinh tế, trầm trọng hơn do chiến tranh thương mại và sự biến mất của lợi tức dân số, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải vật lộn nhiều hơn với nhân lực quân sự”, ông nhấn mạnh. Su cho biết, Nhật Bản, quốc gia dựa vào nghĩa vụ quân sự tự nguyện, đang phải đối mặt với tình hình thậm chí còn khó khăn hơn.

ờ Japan Times đưa tin vào tháng 11 năm ngoái rằng, số lượng người đăng ký vào Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã giảm khoảng 30% trong 10 năm qua. Ít hơn 4.000 người tham gia vào năm 2022, một con số không đạt được mục tiêu tuyển dụng hơn 50%. SDF đã phải vật lộn để làm công việc của mình bất chấp động thái vào năm 2018 nhằm nâng độ tuổi tối đa cho các tân binh từ 26 lên 32. Trung Quốc, với lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, cũng đã hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng, bao gồm các yêu cầu về chiều cao, cân nặng và thị lực, để duy trì thứ hạng của mình.

Andrew Oros, Giáo sư môn Chính trị, Khoa học và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Washington ở Chestertown, Maryland, Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế công bố mới đây: “Trong trường hợp của Trung Quốc, vì nền kinh tế không tiến bộ như Nhật Bản hay Hàn Quốc nên việc trả tiền cho quân đội liên quan đến việc những người lao động có trình độ học vấn thấp hơn, sức khỏe kém hơn nhiều sẽ rời bỏ lực lượng lao động và được thay thế bằng những người lao động có trình độ học vấn cao hơn, khỏe mạnh hơn”. Oros cho biết thêm: “Kết quả là bạn có thể thấy rất nhiều tăng trưởng kinh tế đến từ đó. Ngay cả một lực lượng lao động nhỏ hơn cũng có thể có sản lượng kinh tế cao hơn và họ có thể chi trả cho những vũ khí tiên tiến mà Trung Quốc mong muốn”.

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tham gia hoạt động đổ bộ chung "Tập trận Ssangyong 2023" cùng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại cảng Pohang phía đông nam vào ngày 29/3/2023. Ảnh Getty.

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tham gia hoạt động đổ bộ chung "Tập trận Ssangyong 2023" cùng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại cảng Pohang phía đông nam vào ngày 29/3/2023. Ảnh Getty.

Vấn đề từ Hàn Quốc

Các nhà phân tích cho biết, Hàn Quốc, với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, có thể sớm nhận thấy đất nước không đủ quân số để duy trì quân đội đầy đủ khi phải đối mặt với các mối đe dọa mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng. Luôn cảnh giác với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc duy trì một lực lượng thường trực khoảng nửa triệu quân. Nhưng với tỷ lệ sinh chỉ 0,78 trẻ em ở một phụ nữ trong suốt cuộc đời, tỷ lệ sinh có thể là kẻ thù lớn nhất của Hàn Quốc vào lúc này và các chuyên gia cho rằng, quốc gia Đông Á không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt lực lượng.

“Với tỷ lệ sinh hiện tại của chúng ta, tương lai đã được định trước. Choi Byung-ook, Giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Sangmyung, cho biết việc cắt giảm lực lượng là điều không thể tránh khỏi. Ông cho biết, để duy trì mức quân số hiện tại, quân đội Hàn Quốc cần số người nhập ngũ 200.000 binh sĩ mỗi năm. Nhưng vào năm 2022, chỉ có chưa đến 250.000 trẻ được sinh ra. Giả sử có sự phân chia tỷ lệ 50-50 nam-nữ, điều đó có nghĩa là trong 20 năm nữa, khi những đứa trẻ đó đến tuổi nhập ngũ, chỉ có khoảng 125.000 nam giới so với nhu cầu cần tuyển 200.000 con số cần thiết.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, phụ nữ không bị ép buộc đi tòng quân ở Hàn Quốc và nữ tình nguyện viên chỉ chiếm 3,6% lực lượng quân đội Hàn Quốc hiện tại. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số lượng trẻ sơ sinh hàng năm được dự báo sẽ còn giảm hơn nữa, xuống còn 220.000 vào năm 2025 và 160.000 vào năm 2072.

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tiến vào đất liền sau cuộc diễn tập đổ bộ lên bãi biển cho cuộc tập trận SsangYong vào ngày 28/3 tại Pohang, Hàn Quốc.

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tiến vào đất liền sau cuộc diễn tập đổ bộ lên bãi biển cho cuộc tập trận SsangYong vào ngày 28/3 tại Pohang, Hàn Quốc.

Chuẩn bị cho hai thập kỷ

Trong khi tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc đang được chú ý trong những năm gần đây thì đó là xu hướng mà quân đội đã nhận thấy và chuẩn bị ứng phó.

Đầu những năm 2000, chính quyền Seoul đã tự nguyện quyết định giảm số lượng binh sĩ tại ngũ từ 674.000 năm 2006 xuống còn 500.000 vào năm 2020, dựa trên “tiền đề rằng mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm dần” và thúc đẩy một lực lượng quân sự nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn, theo một Sách trắng quốc phòng năm 2022. Quân đội Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu đó khi giảm quy mô quân đội xuống 27,6% trong hai thập kỷ, từ 2002 đến 2022. Nhưng tiền đề cho rằng, mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm bớt đã được chứng minh là sai.

Ông Kim Jong Un, thành viên thứ ba liên tiếp trong triều đại gia đình ông nắm quyền, lên nắm quyền ở Bình Nhưỡng vào năm 2011. Mặc dù có những khoảng thời gian tạm lắng ngắn ngủi trong khi đàm phán với Hàn Quốc và Hoa Kỳ để giảm bớt căng thẳng, ông đã thúc đẩy sự gia tăng quân sự lớn ở Triều Tiên, đặc biệt là trong các chương trình tên lửa đạn đạo. Sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần thứ năm của Triều Tiên trong năm 2023, ông Kim cảnh báo nước ông sẽ không “do dự” tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân khi kẻ thù khiêu khích bằng vũ khí hạt nhân, đề cập đến việc triển khai các nền tảng vũ khí có khả năng hạt nhân của Mỹ ở các vùng lãnh thổ và xung quanh Bán đảo Triều Tiên, phương tiện truyền thông nhà nước KCNA đưa tin. Nhưng nếu ông Kim tấn công qua vĩ tuyến 38, ranh giới chia cắt hai miền Triều Tiên sau Hiệp định đình chiến năm 1953, quân đội Hàn Quốc sẽ phải chịu gánh nặng quốc phòng lớn nhất.

Chuyển sang mục tiêu công nghệ

Các chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc phải dựa vào khoa học để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên và biến cuộc khủng hoảng nhân lực thành chuyển đổi công nghệ.

Chun In-bum, cựu Trung tướng quân đội Hàn Quốc, cho biết: “Các cơ quan quốc phòng Hàn Quốc đã có chính sách lâu dài rằng, chúng tôi sẽ chuyển từ quân đội lấy nhân lực làm trung tâm sang quân đội định hướng công nghệ”. Năm 2005, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra kế hoạch phát triển quân đội thành lực lượng lấy khoa học-công nghệ làm trung tâm vào năm 2020, nhưng tiến triển rất ít.

Choi cho hay: “Mặc dù quân đội đang cố gắng thực hiện quá trình chuyển đổi nhưng không có sự thúc giục nào, bởi vì (với) lính nghĩa vụ của Hàn Quốc… có rất nhiều nguồn nhân lực”.

Trong cuộc chiến Nga- Ukraine đã cho thế giới thấy rằng trên chiến trường hiện đại, số lượng quân đội thôi là không đủ. Theo đánh giá gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong số 360.000 binh sĩ thuộc lực lượng mặt đất trước cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả nhân viên hợp đồng và nghĩa vụ, đã có 315.000 quân chiến đấu bỏ mạng trên chiến trường. Việc Ukraine sử dụng máy bay không người lái và vũ khí công nghệ cao do các đối tác phương Tây cung cấp đã gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng đông đảo hơn của Moscow. Hàn Quốc đã và đang tập trung vào việc tích hợp các công nghệ mới vào các đơn vị chiến đấu của mình.

Bộ Quốc phòng năm ngoái cho biết, họ sẽ thực hiện chuyển đổi theo từng giai đoạn sang hệ thống chiến đấu phối hợp có người lái và không người lái (MUM-T) dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và giới thiệu lữ đoàn TIGER của Quân đội - một đơn vị được gọi là “đơn vị tương lai” - sử dụng cả nhân lực và thiết bị không người lái để thực hiện nhiệm vụ. Hàn Quốc cũng đang phát triển các thiết bị quân sự không người lái, bao gồm máy bay không người lái tầm trung (MUAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV).

Vẫn cần quân tinh nhuệ

Nhưng Chun, cựu tướng lĩnh Hàn Quốc, nói rằng, công nghệ không phải là thuốc chữa bách bệnh. Ví dụ, cần có nhân lực để đánh chiếm và giữ lãnh thổ. Và cần có những người được đào tạo và giáo dục bài bản để vận hành và giám sát các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trên chiến trường. Chun nói về công nghệ: “Sẽ không đủ, dù chúng tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa”. “Nó sẽ giúp ích nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề chúng ta thiếu người”. Cả ông và Choi đều có những ý tưởng về cách khai thác được nhiều lợi ích hơn từ một lực lượng quân sự nhỏ hơn. Thứ nhất, đòn bẩy của hệ thống bắt buộc và thành phần dự trữ mà chúng mang lại, Chun nói. Theo Chun: “Chúng tôi cần cải tiến hệ thống huy động của mình, nơi chúng tôi có thể tiếp cận số lượng lớn dân số dự bị mà chúng tôi có”.

Sau khi nam giới Hàn Quốc hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 18 đến 21 tháng, họ sẽ trở thành quân nhân dự bị trong 8 năm. Trong thời gian này, mỗi năm họ được triệu tập về đơn vị được phân công một lần để nhắc nhở về chức vụ, nhiệm vụ của mình. Và sau đó, họ phải tham gia huấn luyện phòng thủ dân sự hàng năm cho đến khi 40 tuổi. Hệ thống này hiện cung cấp cho Hàn Quốc 3,1 triệu quân dự bị. Quân dự bị phải tham gia khóa huấn luyện kéo dài hai đêm, ba ngày hàng năm.

Một hệ thống thí điểm đang được áp dụng là yêu cầu một số quân nhân dự bị được chọn huấn luyện trong 180 ngày một năm để củng cố kỹ năng của họ. Một lựa chọn khác là tăng số lượng cán bộ chuyên nghiệp - hạ sĩ quan, - tất cả đều là tình nguyện viên, phục vụ trong thời gian dài hơn, trong đó họ sẽ thành thạo trong việc vận hành vũ khí tiên tiến “để ngăn chặn khoảng cách về năng lực chiến đấu bất chấp giảm lực lượng thường trực”, theo sách trắng năm 2022.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội đã tăng tỷ lệ cán bộ trong tổng lực lượng từ 31,6% năm 2017 lên 40,2% vào năm 2022. Bộ cũng cho biết có kế hoạch tăng thêm lên 40,5% vào năm 2027.

Long Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cong-nghe-quoc-phong-co-giup-bu-dap-duoc-ty-le-sinh-giam--i739918/