Công nghệ SMILE: Đưa không gian sáng tạo đến học sinh
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đòi hỏi các nhà trường cũng phải đổi mới giảng dạy nhằm tạo ra những học sinh có kỹ năng về sáng tạo, đánh giá, phân tích và thực hành mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Chiều 4-10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã ký kết với Trường Giáo dục sau Đại học (ĐH - ĐH Stanford và EMG Education về “Giới thiệu mô hình giáo dục STEM thông qua công nghệ Stanford Mobile Inquiry-based Learning Environment (SMILE)”. Đây là một trong các giải pháp góp phần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng ứng dụng, thực hành sáng tạo cho HS.
Học sinh cần được sáng tạo nhiều hơn
Theo đó, nền tảng công nghệ SMILE này được xem là môi trường học tập gợi mở trên di động Stanford. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của Trường Giáo dục sau ĐH thuộc ĐH Stanford. Nó có khả năng biến một lớp học thành một môi trường học tập công nghệ cao với chi phí hợp lý. Nó giúp học sinh tiếp thu các môn học và phát triển các kỹ năng học tập cấp độ cao, phát triển kỹ năng đặt câu hỏi của HS, đẩy mạnh các hoạt động xoay quanh HS và các bài tập trong lớp học. Đồng thời, công nghệ này còn giúp giáo viên và các cấp quản lý có cái nhìn phân tích tổng quan rõ ràng theo thời gian thực.
Tại buổi ký kết, GS Paul Kim (Giám đốc phụ trách công nghệ, Văn phòng Đổi mới và Công nghệ, Phó Hiệu trưởng, Trường Giáo dục sau ĐH, ĐH Stanford) đã chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng được hợp tác để phổ biến những công nghệ giáo dục tiên tiến nhất của ĐH Stanford nhằm phục vụ cho mục đích phát triển trí tuệ, nâng cao khả năng sáng tạo, thực hành khoa học, biết giải quyết những vấn đề hiện thực của cuộc sống. Từ đó sẽ thúc đẩy học tập trọn đời, tinh thần khởi nghiệp, phát minh sáng chế cho thế hệ trẻ”.
GS Paul Kim cũng thẳng thắn cho rằng công nghệ ngày càng phát triển, tạo ra những thay đổi chóng mặt. Vì thế, đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy và nhận thức sao cho phù hợp. Trường học cũng vậy, cũng cần phải tạo ra môi trường sáng tạo cho các em ngay từ khi các em còn nhỏ. Các em không chỉ cần được trang bị nhiều kiến thức về toán, về khoa học mà còn cần được tạo điều kiện để tìm tòi, sáng tạo, phát minh... về những vấn đề trong cuộc sống xung quanh, trên thế giới và cả cho tương lai.
“HS lâu nay quen học theo cách thụ động, phụ thuộc vào giáo viên, hầu hết các em chỉ biết nghe chứ ít đặt câu hỏi hay phản biện. Vì từ nhỏ các em đã không biết đặt câu hỏi, khi lên cấp 3 sẽ không có thói quen đặt câu hỏi, rồi lên ĐH càng không muốn đặt câu hỏi, đến khi đi làm cũng chỉ biết làm theo lệnh của người khác, như thế rất nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng không gian lớp học cần được thay đổi theo hướng mở, bản thân giáo viên cũng phải thay đổi để tạo ra không gian học tích cực cho HS. Thông qua các thiết bị kỹ thuật, các em được học, được tìm tòi, thực hành để đem lại kiến thức cho chính mình và có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như trong tương lai” - GS Paul Kim diễn giải.
Sẽ triển khai có lộ trình vào các trường học
Trong buổi tọa đàm do Sở GD&ĐT TP tổ chức cùng ngày với chủ đề “Định hướng giáo dục STEM và kinh nghiệm từ ĐH Stanford”, các chuyên gia, nhà giáo đánh giá cao mô hình giáo dục STEM cũng như công nghệ SMILE khi đưa vào các trường học để dạy cho HS. Nền tảng này sẽ tạo môi trường học tích cực, kích thích tư duy sáng tạo, phản biện thay cho lối học còn thụ động, nặng kiến thức như hiện nay.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho rằng việc ký kết hợp tác phát triển mô hình STEM của ĐH Stanford chính là một giải pháp cụ thể giúp giáo dục TP tiếp tục đổi mới, tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới.
Tuy nhận định mô hình này hay nhưng ông Sơn cho biết: “Ngành GD&ĐT TP sẽ làm từng bước một, có chọn lọc trường thực hiện, có thí điểm và đánh giá cụ thể chứ không thực hiện vội vã, đại trà ngay. Mô hình hay nhưng quan trọng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, trước hết là phải thay đổi tư duy và nhận thức từ cấp quản lý, giáo viên đến phụ huynh, HS. Từ đó mới có thể triển khai thành công.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cũng đánh giá cao mô hình giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ cao vào lớp học. Theo ông, việc cần tạo ra môi trường học sáng tạo, tích cực, kích thích sự tìm tòi, khám phá của HS cũng là định hướng của ngành giáo dục lâu nay.
“Cái gì ban đầu thực hiện cũng sẽ khó khăn, chưa kể chúng ta còn chịu nhiều sức ép về chương trình, thời lượng, kiểm tra đánh giá như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cần trước hết phải hiểu cặn kẽ mô hình này, rồi phải biết tổ chức, xây dựng nội dung, linh hoạt trong kiểm tra đánh giá quá trình học để các em được phát huy tốt nhất việc học của mình mới có chất lượng” - PGS-TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ như thế.