Công nghệ số góp phần quảng bá di tích, di sản
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu hiện nay. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng. Tại Hà Nội, công cuộc số hóa di sản được thực hiện mạnh mẽ tại các điểm di tích, bảo tàng... đang mang đến một luồng gió mới cho hoạt động trải nghiệm, giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, di sản.
Quảng bá di tích lịch sử bằng công nghệ AI
Nhiều năm nay, các điểm di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đưa công nghệ vào hoạt động trải nghiệm, điển hình như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long đã được số hóa dữ liệu, cập nhật thông tin bằng mã quét QR Code. Ngoài ra, các đơn vị thực hiện bán vé điện tử để du khách dễ dàng, thuận tiện đặt mua trực tuyến (online).
Cùng với việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong quản lý, nhiều đơn vị cũng đưa yếu tố công nghệ trong xây dựng sản phẩm du lịch.
Theo tìm hiểu, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đầu tiên đơn vị này đã xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tiếp đến là áp dụng hình thức biên lai điện tử có chứa mã QR đối với khách đoàn thay vì mua vé cho từng người. Bên cạnh đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hóa một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hóa thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu; triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ.
Gần cuối năm 2023, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miều - Quốc Tử Giám còn cho ra mắt tour đêm “Tinh hoa đạo học”. Tham gia tour du khách sẽ được trải nghiệm sản phẩm “Tinh hoa đạo học” với “bữa tiệc” ánh sáng sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping kết hợp âm nhạc dân tộc. Hành trình khám phá câu chuyện đạo học được kể xuyên suốt từ Văn Miếu môn (cổng vào), qua giếng Thiên Quang, khu văn bia cho đến nhà Thái học. Điểm nhấn là màn biểu diễn 3D mapping dài gần 15 phút tại nhà Thái học được thiết kế công phu bằng công nghệ chiếu sáng. Mới đây nhất, ngày 28/11, Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ra mắt bộ phim 3D mapping “Sử đá lưu danh”. Bộ phim không chỉ là điểm nhấn độc đáo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn khẳng định vai trò của công nghệ hiện đại trong việc làm sống lại giá trị di sản theo cách sáng tạo, gần gũi với thế hệ trẻ.
Chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của di tích, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Qua đại dịch Covid-19, Trung tâm nhận thấy cần thiết có sự đổi mới để thích ứng được với những thay đổi hiện nay, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong khi đó, Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cũng đã thực hiện chuyển đổi số từ nhiều năm nay với việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động, mã QR. Trưởng phòng phụ trách Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết, đơn vị đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm có sử dụng công nghệ như phim chiếu 3D tại khu hầm T1; phim 3D về lễ thiết triều...
Còn Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist thực hiện quảng bá sản phẩm tour đêm trên website, mạng xã hội, đồng thời triển khai đồng bộ số hóa thông tin các hình ảnh của di tích, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử tại đây.
Phát huy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ
Góp sức trong hoạt động số hóa di sản, di tích trên địa bàn Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và các cơ sở Đoàn Thanh niên đã đẩy mạnh triển khai số hóa các di tích lịch sử, trong đó có sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ kết hợp video clip, âm thanh.
Tại quận Bắc Từ Liêm, phát huy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, thanh niên quận đã có nhiều cách làm độc đáo góp phần quảng bá văn hóa địa phương, Thành phố đến bạn bè trong nước và quốc tế, tiêu biểu như công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các "địa chỉ đỏ", di tích lịch sử - văn hóa”.
Hiện nay, Quận đoàn Bắc Từ Liêm đã triển khai công trình số hóa tại 8 địa điểm di tích. Được biết, tất cả thông tin về các di tích lịch sử này được thanh niên quận Bắc Từ Liêm “số hóa”. Công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” của tuổi trẻ quận Bắc Từ Liêm được ví như một cuốn cẩm nang du lịch số rất tiện lợi và hữu ích. Qua ứng dụng vừa giúp giảm chi phí giới thiệu, quảng bá vừa bảo đảm tra cứu, tìm hiểu nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ.
Bí thư Quận đoàn Bắc Từ Liêm Nguyễn Đức Ngọc cho biết, tại các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ, trên địa bàn quận, điểm mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pano, biển bảng giới thiệu ngoài ra các mã QR còn được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, internet; mạng xã hội.
Khi đi vào sử dụng, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), lời thoại sẽ được thực hiện tự động (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) giới thiệu về di tích, hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh các di tích lịch sử. Đặc biệt ứng dụng công nghệ quan sát thực tế ảo, du khách sẽ có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu dựa vào tính năng chỉ đường.
“Việc phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên về lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn quận. Đồng thời, điều này cũng mang đến nhiều trải nghiệm mới cho khách tham quan”, Bí thư Quận đoàn Bắc Từ Liêm.
Tượng tự, tại quận Hai Bà Trưng, thời gian qua, quận đã triển khai thực hiện “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch”. Dự án thực hiện các nội dung: Số hóa tài liệu, tạo lập kho dữ liệu; số hóa 3D hiện vật, không gian cảnh quan di tích; phần mềm quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin lưu trữ và cài đặt phần mềm quản lý kho dữ liệu số hóa. Tổ chức giới thiệu và ra mắt Website “360 độ di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” vào dịp chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận Hai Bà Trưng (1961 - 2024).
Đoàn Thanh niên Quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch để triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2021 - 2025” nhằm mã hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn quận; phối hợp Đoàn thanh niên các trường Đại học trên địa bàn trong công tác tạo lập mã QR của các di tích. Từ năm 2021 đến nay đã triển khai thành công 26 mã QR tại 28 điểm di tích lịch sử đưa vào ứng dụng.
“Đây là một trong những cách làm để góp phần để du khách khi đến với di tích có thể hiểu thêm vì lịch sử, phát huy giá trị của di tích. Đồng thời, cũng thúc đẩy công tác quản lý, để các điểm di tích trở thành những điểm đến của lịch sử văn hóa, ý nghĩa và hấp dẫn”, Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng Nguyễn Lê Ngân chia sẻ.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-nghe-so-gop-phan-quang-ba-di-tich-di-san-181511.html