Công nghệ số: Không 'Make in' Việt Nam, nước ta không thể hùng cường

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, các ứng dụng số, công nghệ số 'Make in Việt Nam' chính là giải pháp đưa Việt Nam ra thế giới, trở thành một quốc gia hùng cường.

Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần III, diễn ra trong ngày 11/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết: Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp công nghệ số đã tăng phát triển rất mạnh. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các ứng dụng số, công nghệ số “Make in Việt Nam” chính là giải pháp đưa Việt Nam ra thế giới, trở thành một quốc gia hùng cường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.

“Không Make in Việt Nam thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng. "Make in Việt Nam là tự hào Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đứng trước thời đại công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.

Ông Hùng cho hay, việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại, công ty vĩ đại. Vĩ đại vì tạo ra những nền tảng phục vụ cho hàng triệu người dân, tạo tiền đề phát triển bền vững trong năm 2045. Những việc cụ thể được giao cho các đơn vị cụ thể, có cơ chế hỗ trợ thì cái khó được giải quyết.

"Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của doanh nghiệp là vì phía sau mỗi doanh nghiệp là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính", ông nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thống nhấn mạnh, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.

Công nghệ số tạo ra 3 xu thế: phi trung gian hóa, phi tập trung hóa, phi vật chất hóa. Điều này giúp cho kinh tế hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.

Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới. Từ trước đến nay, trong suốt chiều dài lịch sử, con người chỉ tiêu xài tài nguyên. Chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân.

Theo ông Hùng, để làm điều này chúng ta cần công bố bài toán chuyển đổi số ở tầm Quốc gia, bộ ngành và địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đầu mối.

Trong tương lai, một trang web quốc gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số được thiết lập, có cả các bài học từ thành công, thất bại. Mỗi người dân Việt Nam thành công dân số.

Cuối cùng, để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh, đi đúng hướng, ông Hùng cho rằng, một bộ chỉ số để đo lường và đánh giá là quan trọng. Trong tương lai sẽ có bộ tiêu chí đánh giá, tiếp theo bộ chỉ số đo lường kinh tế số sẽ ban hành trong năm nay.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu dựa vào công nghệ số. Khoa học công nghệ của thập kỷ này cũng là công nghệ số. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung vào tự động quá, thông minh hóa. Các doanh nghiệp công nghệ số cần hành động nhanh, hiệu quả.

Những thách thức trong việc chuyển đổi số

Có cùng quan điểm này, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học Quốc hội nhận định: Khi phương thức sống của con người thay đổi, buộc pháp luật phải thay đổi theo. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để nắm bắt mọi cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và khoa học Quốc hội.

Cơ hội chuyển đổi số mở rộng cho tất cả các quốc gia. Rất nhiều quốc gia tuy hạn chế tiềm lực, nhưng có bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế, ông đưa ra nhận định.

"Chuyển đổi số là cơ hội quan trọng để Việt Nam vươn lên, xây dựng quốc gia thịnh vượng. Theo đó, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới", ông Huy nói.

Hiện nay, nhiệm vụ thể chế hóa đang được thực hiện tích cực nhưng còn nhiều thách thức, không chỉ tại VN mà trên toàn thế giới. Thứ nhất là đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thể chế theo kịp với tốc độ phát triển công nghệ số. Trong thời gian gần đây, những tiến bộ của khoa học công nghệ đã vượt qua dự tính của các nhà lập pháp và đặt ra nhiều thách thức cho trong việc hoàn thiện thể chế.

Thử thách thứ hai là do sự thay đổi giữa các bên trong quá trình tham gia thị trường. Trong các mô hình kinh doanh mới, ranh giới giữa các nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất, người tiêu dùng không còn rõ ràng. Điều này tạo ra mối quan hệ phức tạp để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ số còn tạo ra một số dòng tài sản mới. Do chủ yếu giao dịch trên môi trường số nên việc đảm bảo an ninh, an toàn mạng, bảo mật dữ liệu... gặp khó khăn.

"Những yếu tố này đòi hỏi việc hoàn thiện thể chế cần có cách tiếp cận sáng tạo hơn, khác biệt để vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa đảm bảo môi trường số an toàn như thay đổi tư duy; có bước chuyển phù hợp sang kiểm soát có điều kiện; có cách tiếp cận toàn diện hơn...", ông Huy nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-nghe-so-khong-make-in-viet-nam-nuoc-ta-khong-the-hung-cuong-post171676.html