Công nghệ thông tin giúp kiểm toán phát hiện sai phạm
Việc ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán đã tạo ra những thay đổi đáng ghi nhận, mở ra triển vọng đưa công nghệ trở thành công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Việc ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán đã tạo ra những thay đổi đáng ghi nhận, mở ra triển vọng đưa công nghệ trở thành công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Sáng 5-1, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự.
Báo cáo trước hội nghị, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán đã được mở rộng, đến nay có 18 phần mềm được ứng dụng trong các hoạt động kiểm toán xây dựng cơ bản, kiểm toán môi trường, tổng hợp kết quả kiểm toán… Đồng thời, xây dựng Trung tâm dữ liệu để thu thập thông tin hoạt động kiểm toán, tiến tới thực hiện các cuộc kiểm toán từ xa ngay tại trụ sở KTNN, trừ khi phải thực hiện phỏng vấn, điều tra, giải trình.
Để bắt kịp xu thế cách mạng 4.0, KTNN đã phát triển loại hình kiểm toán mới là kiểm toán CNTT. Theo đó đã thực hiện kiểm toán hệ thống CNTT tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vietcombank… từ đó chỉ ra những tiện ích, hiệu quả, và vấn đề trong thực hiện vận hành.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả kiểm toán như sử dụng công nghệ siêu âm để xác định cọc chìm trong lòng đất. Qua đó xác minh công trình có khối lượng xây dựng ngầm thấp hơn báo cáo, giảm tới 400 tỷ đồng vốn đầu tư.
Hoặc việc ứng dụng công nghệ viễn thám để tính toán trữ lượng khai thác khoáng sản tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, từ đó tính ra thuế tài nguyên khoáng sản phải nộp và truy thu gần 1.000 tỷ đồng….
Bằng việc sử dụng kết quả tính toán của công nghệ này, KTNN đã chỉ ra những căn cứ để xác định ranh giới khai thác, sản lượng thực tế của khoáng sản đã khai thác, ngăn chặn nguy cơ khai thác trái phép, gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường.
Qua các kết quả thu được, công nghệ viễn thám đã góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, giúp cho KTNN nâng cao vai trò và tiếng nói của mình trong việc bảo vệ tài sản công…
Gần đây, KTNN cũng ứng dụng công nghệ viễn thám để kiểm toán diện tích rừng Tây Nguyên…
Về kết quả kiểm toán năm 2020, KTNN đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán, tổ chức thành 188 đoàn kiểm toán. Tổng hợp kết quả kiến nghị xử lý tài chính đến ngày 4-1-2021 là 60.035 tỷ đồng. Trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 4.965 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 13.836 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 41.234 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
Qua kiểm toán, cùng với các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển biểu dương KTNN, trước tác động của đại dịch Covid-19, đã nhanh chóng, chủ động bám sát diễn biến tình hình, xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thực hiện khoa học, đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Về nhiệm vụ của KTNN năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần quan tâm đến một số nội dung trọng tâm. Đó là luôn quán triệt và thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của KTNN, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để KTNN luôn hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, thích hợp và kịp thời, phục vụ tốt nhất việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ của đất nước.
Khẩn trương xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và thi hành Luật KTNN sửa đổi, bổ sung để Chiến lược và các quy định của Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn; chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng CNTT, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.
Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 nhằm tiếp cận, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán Việt Nam về nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới, nâng cao vị trí, hình ảnh của cơ quan KTNN nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.