Công nghệ thông tin và chuyển đổi số - bước đột phá trong đổi mới giáo dục
Thực hiện Đề án của Chính phủ về 'Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030' (gọi tắt là Đề án 131), ngày 18/2/2022, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 970 gửi hai Sở: Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan triển khai.
Năm 2022, một trong 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm Bộ GDĐT nêu lên là “Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến”. Thời gian qua, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp tích cực đưa CNTT và chuyển đổi số có hiệu quả vào lĩnh vực hoạt động. Khi chúng tôi viết bài báo này, Sở GDĐT đang triển khai tập huấn sử dụng thiết bị bảng tương tác thông minh cho các đơn vị thuộc Đề án Đầu tư trường chuẩn và Dự án Mua sắm thiết bị lớp 2, lớp 6. Nội dung tập huấn là bảng tương tác thông minh, ứng dụng vào giảng dạy tất cả các bộ môn; hướng dẫn sâu vào dạy học ngoại ngữ.
Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải cho biết: Trong những năm học qua, Sở GDĐT đã triển khai tập huấn, thí điểm các chương trình dạy học theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy lập trình và nghiên cứu khoa học lĩnh vực CNTT, dựa trên cơ sở đó Sở đã xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí xây dựng trung tâm giáo dục STEM, Robocon, Robotics với kinh phí đề xuất ban đầu khoảng 6 tỷ đồng, được đặt tại Trường THPT Bùi Thị Xuân nhằm tạo môi trường nghiên cứu, trải nghiệm cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời, tạo sân chơi thi đấu trong tỉnh và khu vực. Hiện, Sở GDĐT đang phối hợp với Quỹ Dariu triển khai các chương trình dạy học tin học ngoài khóa chủ yếu tập trung vào hướng lập trình mới, AI và khoa học dữ liệu để kịp tiếp cận với chương trình quốc tế, dự kiến sẽ xây dựng giải pháp và kế hoạch triển khai đại trà cho các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đối với chuẩn tin học quốc tế MOS, trong năm học 2020-2021, bước đầu Sở đã đào tạo cho 36 giáo viên có chứng chỉ quốc tế, 86 giáo viên được tập huấn để thi chứng chỉ quốc tế. Với chương trình dạy học tin học theo chuẩn quốc tế MOS, Sở đề xuất triển khai đại trà cho học sinh khối THPT. Để thực hiện được yêu cầu này tất cả giáo viên giảng dạy môn tin học trong tỉnh phải được đào tạo và thi chứng chỉ quốc tế theo tiêu chuẩn của IIG Việt Nam. Sở GDĐT đã tập huấn sử dụng, khai thác Chương trình Toán Phần Lan cho 6.108 giáo viên giảng dạy bộ môn toán cấp tiểu học, THCS; 7/12 Phòng GDĐT có học sinh tham gia. Đã mở 6.108 tài khoản cho giáo viên và có 303 tài khoản duy trì hoạt động đạt 4,96%; có 9.025 tài khoản được mở cho học sinh và 2.417 tài khoản duy trì hoạt động (đạt 26,78%) và có 1.573 tài khoản đóng phí (đạt 17,43%)...
Nhằm ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngày càng hiệu quả trong GDĐT, ngoài đội ngũ cán bộ, giáo viên, đồng thời, cần tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật. Từ năm 2019-2021, báo cáo về công tác quản lý về việc cấp, mua sắm, sử dụng trang thiết bị dạy học tại các trường học, Giám đốc Sở GDĐT cũng cho biết: UBND các huyện, thành phố và Sở GDĐT kiến nghị các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đủ cho việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình, ước kinh phí 4.102.130 triệu đồng. Trong đó, đã bố trí vốn năm 2021-2022 là 1.390.177 triệu đồng; vốn còn lại cần thực hiện năm 2023-2025 là 2.711.953 triệu đồng.
Theo Đề án 131 của Chính phủ, mục tiêu chung là “Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”. Theo đó, những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đặt ra đối với đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Cùng đó, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục. Và đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số.
Thực hiện Đề án 131, các nhiệm vụ, giải pháp triển khai bao gồm: Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GDĐT và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử (HCI). Đồng thời, huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT. Và cuối cùng là hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách.