Công nghệ thực tế ảo làm 'sống lại' di tích nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại
Khách du lịch đến Acropolis (Hy Lạp) trong mùa nghỉ lễ này có thể tận mắt chiêm ngưỡng di sản với khung cảnh nguyên vẹn từ cả nghìn năm trước. Tất cả những gì họ cần là một chiếc điện thoại thông minh và một ứng dụng mang tên Chronos.
“Cánh cổng mới” mở ra thời kỳ Hy Lạp cổ đại
Thành cổ Acropolis nổi tiếng tọa lạc tại Thủ đô Athens. Di sản văn hóa thế giới UNESCO công nhận vào năm 1987 này là đỉnh cao của nền văn minh Hy Lạp. Năm 490 trước Công nguyên, người Athens đặt những tảng đá đầu tiên làm nền móng thành Acropolis để tôn thờ vị thần hộ mệnh của thành phố - nữ thần Athena Parthenos. Ngày nay, di tích Acropolis là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn không thể bỏ lỡ khi đến Hy Lạp - quốc gia nằm ở phía Đông Nam châu Âu. Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp cho biết, thành cổ Acropolis đón khoảng 16.000 lượt du khách mỗi ngày.
Nếu đến thăm Acropolis thời gian này, du khách sẽ được trải nghiệm ứng dụng công nghệ có tên gọi Chronos mới ra mắt của Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp. Qua đó, người ta có thể thấy tòa nhà và khuôn viên Acropolis trông như thế nào cách đây hơn 2.000 năm, trước khi thành cổ bị cướp bóc, phá hủy hay mục nát. Hiện tại, ứng dụng Chronos được áp dụng tại 4 di tích quanh Acropolis, bao gồm thành cổ Acropolis, đền Parthenon, một nhà hát La Mã liền kề và các phần của Bảo tàng Acropolis được xây dựng dưới chân tảng đá. Chỉ cần hướng điện thoại của họ vào khu vực di tích, đền Parthenon hay các tác phẩm điêu khắc đã bị lấy đi sẽ xuất hiện trở lại giống như thực tế cách đây 2.500 năm.
Các chuyên gia cho biết, Chronos do Công ty Viễn thông Cosmote (Hy Lạp) phát triển, là một ví dụ điển hình về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cùng công nghệ thực tế ảo cho nhu cầu của đời sống thực tại. Các nhà khảo cổ, nhà sử học và chuyên gia công nghệ cùng nhau tạo ra những hình ảnh kỹ thuật số cho thấy Acropolis trông như thế nào vào thời kỳ đỉnh cao của nó, làm thỏa mãn nhu cầu thị giác và cảm nhận của những người muốn khám phá lịch sử và văn hóa của đất nước Hy Lạp huyền thoại. Đặc biệt, ứng dụng mang tên Chronos (hay Cronus) - vị vua của các Titan trong thần thoại Hy Lạp, đồng thời cũng là thần thời gian. Nên theo một cách nào đó, ứng dụng khiến bạn có cảm giác như đang nhìn lại thời gian hay quá khứ khi mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên. Khách truy cập có thể thu nhỏ và phóng to hình ảnh quanh địa điểm này, với lớp ảnh kỹ thuật số hiển thị giao diện của nó trước đây. Tiện ích này còn giúp làm sáng tỏ những hoài nghi về vẻ ngoài của Acropolis, vì lâu nay người ta vẫn tranh cãi thành cổ từng được bao phủ màu sơn rực rỡ hay di tích có màu nhạt hơn.
Không gian kỹ thuật số thúc đẩy du lịch
Bà Lina Mendoni - Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp cho biết: “Khả năng tiếp cận đang mở rộng sang không gian kỹ thuật số” tại sự kiện ra mắt ứng dụng Chronos vào tháng 5-2023. Bộ trưởng Lina Mendonicho biết thêm, ngoài ứng dụng Chronos, Hy Lạp còn hợp tác với Microsoft tạo ra một chuyến tham quan kỹ thuật số đến Olympia - quê hương của Thế vận hội Olympic đầu tiên.
Các nhà thiết kế của ứng dụng Chronos cho biết, họ hy vọng sẽ xây dựng thêm các tính năng, bao gồm hướng dẫn ảo có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo mang tên Clio. Panayiotis Gabrielides, một quan chức cấp cao của công ty viễn thông Hy Lạp Cosmote tham gia dự án, cho biết: “Khi công nghệ và mạng tiến bộ, với băng thông tốt hơn và độ trễ thấp hơn, các thiết bị di động sẽ có thể tải xuống nội dung chất lượng cao hơn”.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy những trải nghiệm thực sự thú vị của khách hàng trong vài năm tới khi nhiều nội dung từ bảo tàng và kho lưu trữ được số hóa”, bà Maria Engberg - Giáo sư tại trường Đại học Malmo ở Thụy Điển vừa trải nghiệm ứng dụng Chronos tại thành cổ Acropolis cho biết. Còn Shriya Parsotam Chitnavis, một du khách từ London đến thăm khu di tích trong tháng 10-2023 nói rằng ứng dụng này là trải nghiệm ấn tượng của cô tại Acropolis: “Tôi không biết nhiều về Acropolis và được thuyết phục đến đây. Nhìn thấy điều này khiến chuyến đi trở nên thú vị hơn, vì tôi là người coi trọng vấn đề thị giác”.
Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp hy vọng ứng dụng thực tế tăng cường này sẽ thu hút nhiều người quan tâm hơn đến việc tìm hiểu lịch sử đằng sau địa điểm cổ xưa này. Việc khôi phục ảnh ảo có thể hoạt động ở mọi góc trong khuôn viên di tích, vì vậy nó có thể giúp du khách không phải đi bộ lên dốc hay phải chờ đợi lâu để được xem cận cảnh các di tích mang tính biểu tượng. Điều này cũng phù hợp với chiến lược lớn hơn của chính phủ nhằm làm cho các di tích cổ của Hy Lạp trở nên dễ tiếp cận hơn, sau khi lắp đặt các đường dốc và lối đi chống trượt gần đây; và biến các thành phố Hy Lạp thành điểm đến quanh năm.
Du lịch vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế Hy Lạp đã tăng trưởng trở lại kể từ đại dịch Covid-19, dù khi cháy rừng đã khiến du khách phải tháo chạy khỏi đảo Rhodes và ảnh hưởng đến các khu vực khác vào mùa hè này. Theo Ngân hàng Hy Lạp, số lượng du khách đến từ tháng 1 đến tháng 7 đã tăng 21,9% lên 16,2 triệu người so với một năm trước, doanh thu tăng hơn 20%, lên 10,3 tỷ Euro (10,8 tỷ USD).
Theo AP/Euro News