Công nghiệp bán dẫn - động lực mới cho Thái Nguyên

Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều định hướng Thái Nguyên phát triển mạnh công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, điện tử, thiết bị điện, bán dẫn. Đến nay, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn - một trong những động lực mới cho tăng trưởng công nghiệp thời gian tới.

Tập đoàn Samsung sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Thái Nguyên sẽ có tác động tích cực đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Tập đoàn Samsung sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Thái Nguyên sẽ có tác động tích cực đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Tín hiệu tích cực

Tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn trong nước và khu vực, thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ nguồn... Đến nay, tỉnh có 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD; chiếm 70% tổng số dự án là lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, nhóm ngành điện tử, như: Máy tính bảng, điện thoại thông minh và linh kiện.

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II).

Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II).

Trong số này, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã bắt nhịp được với công nghiệp bán dẫn. Theo đó, Samsung đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5-2023 và triển khai đại trà từ tháng 7-2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên. Đây là dự án sản xuất nằm trong phần mở rộng đầu tư tăng thêm 920 triệu USD của Samsung đã được UBND tỉnh cấp phép vào tháng 2-2022.

Ông John Neuffer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên; đồng thời cam kết sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Chip bán dẫn là sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao, vì thế một tập đoàn lớn như Samsung sản xuất sản phẩm này tại Thái Nguyên sẽ có tác động tích cực đến môi trường đầu tư của tỉnh; mở ra cơ hội tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những phân khúc cao hơn...

Tập trung đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực

Từ việc Tập đoàn Samsung sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho thấy Thái Nguyên là điểm đến không chỉ của những sản phẩm lắp ráp, mà cả những sản phẩm mang tính sáng tạo, đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao hơn. Để sẵn sàng đón nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, Thái Nguyên đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh đã mở rộng 11 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 1.599ha, nâng tổng diện tích các KCN trong quy hoạch lên 4.245ha. Trong đó, 5/11 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Đối với các KCN còn lại, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung lập, công bố và phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Kết quả, trong năm 2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 các KCN Đô thị Dịch vụ Phú Bình, KCN Đô thị Dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3 và Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Cùng với việc tạo thêm dư địa thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành giáo dục của tỉnh cũng quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho lĩnh vực này. Đơn cử như năm 2024, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) lần đầu tiên điều chỉnh và tuyển sinh 20 chương trình đào tạo với khoảng 3.000 chỉ tiêu. Trong đó, đều là lĩnh vực có tính ứng dụng trên nền tảng công nghệ cao, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia và cách mạng công nghiệp 4.0. Lần đầu tiên Nhà trường cũng đưa vào tuyển sinh các chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Viện Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, được trang bị thiết bị thí nghiệm hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn (ảnh TL).

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, chia sẻ: Với thế mạnh là công nghệ thông tin, Nhà trường sẽ tập trung chuyên sâu vào phần thiết kế vi mạch. Trong đó, sinh viên được học lý thuyết và thực hành thực tế trên các thiết bị phần mềm để thiết kế nên phần mềm vi mạch...

Có thể thấy với những lợi thế, tiềm năng sẵn có và kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhiều chuyên gia đánh giá, Thái Nguyên có tiềm năng cao thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thậm chí có khả năng chiếm ưu thế so với các tỉnh, thành phố trong cùng khu vực.

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202409/cong-nghiep-ban-dan-dong-luc-moi-cho-thai-nguyen-dc5261d/