Công nghiệp bán dẫn phải là đột phá trong phát triển kinh tế
Sáng 14-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nêu rõ cùng với các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đột phá về các cơ chế chính sách như: thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư; đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.
Thủ tướng nêu rõ: “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc gì dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả". Đồng thời lưu ý quá trình thực hiện phải kiểm tra, đôn đốc, nhân rộng mô hình hay, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác công - tư, hợp tác trong nước, quốc tế, phát huy sức mạnh của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, có ưu tiên để thu hút mọi nguồn lực; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng đổi mới sáng tạo, logistics; có chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm ra đời Quỹ hỗ trợ đầu tư; tích cực chuyển giao công nghệ phát triển ngành bán dẫn; phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. “Nguyên tắc là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, Việt Nam phải phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xem đây là đột phá quan trọng, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành phải quyết tâm phải được thể hiện bằng những nhiệm vụ, hành động cụ thể.
Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.
Việt Nam đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các Khu công nghệ cao TPHCM, Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng...
Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất.
Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, đưa hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ.